Hi,

"I'm standing alone in the darkness.The winter of my life came so fast. Sun shine in my eyes I'm still there everywhere-I'm the dust in the wind-I'm the star in the northern sky-I never stay anywhere-I'm the wind in the trees..."

Saturday, August 22, 2009

ĐỐI THOẠI - phỏng vấn từ Mỹ

ĐỐI THOẠI

Trang Đài Classey-Trần Nguyễn phụ trách
( Trang Đài là một nhà tư tưởng và học giả chuyên về đề tài Người Việt Trên Thế Giới, sinh sống và làm việc tại Hoa Kỳ và Châu Âu )



---
[tạp chí PHỤ NỮ DIỄN ĐÀN, số 305,tháng 8/2009, tại 9747 Bolsa Ave. Suite # 205. Westminster, CA,USA]

Trang 64

Himiko : Thắp lửa trong Mỹ Thuật, tư tưởng





TG: Kính chào Chị Nguyễn Kim Hoàng. Trangđài rất hân hạnh được gặp gỡ Chị qua phim tài liệu “Đứa Bé Nhìn Thấy Lửa” của Đạo diễn Trần Lý Trí Tân được trình chiếu tại Đại Hội Điện Ảnh ViFF 2009. Thoạt đầu, nghe tên phim bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt, Trangđài đều nghĩ là phim có nội dung ‘trẻ em’ và khi nhìn thấy tấm ảnh nhỏ giới thiệu thì cũng khó đoán nhân vật chính là một cô gái. Khi xem phim tại Đại Hội Điện Ảnh ViFF, Trangđài thật sự thích thú để khám phá những góc phố hội họa và bầu trời tư tưởng của Chị. Trước hết, xin mời Chị gửi lời chào đến độc giả của nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn.


NKH: Chào chị Trang Đài, chào quý vị độc giả của nguyệt san Phụ Nữ Diễn Đàn. Tôi cũng thật ngạc nhiên khi biết mình được lựa chọn làm nghệ sĩ giao lưu với các bạn. Tôi biết đến Mỹ Thuật khá trễ, phải sau khi rời quê (Mỹ Tho) lên Sài Gòn học Đại Học Tổng Hợp, khoa Nga Văn. Nhưng vì không đủ điều kiện tự lo cho mình theo đuổi một đam mê vốn bị gia đình phản đối (nhà tôi khá khó khăn, và muốn tôi theo nghề giáo truyền thống hay là phiên dịch viên hơn là chọn con đường “lông bông”), nên tôi quyết định sang Nhật làm việc để kiếm tiền về tự lo ăn học. Năm 2000, 24 tuổi, tôi mới chính thức vào trường Mỹ Thuật. Năm 2005, tôi tốt nghiệp và mở ra không gian phá cách ‘Himiko visual café’ nhằm tạo ra một không gian giao lưu nghệ thuật tiếp cận thực sự với người dân Sài Gòn (vốn hứng thú đi café hơn là vào các gallery xem tranh). Tốt nghiệp khoa Điêu Khắc trường Đại học Mỹ Thuật nhưng sau khi ra trường, triển lãm cá nhân của tôi lại chủ yếu là làm installation, performance, conceptual photography là nhiều (các tác phẩm điêu khắc của tôi chủ yếu là làm từ thời sinh viên vì tốt nghiệp xong, tôi không có nơi chốn để làm điêu khắc nữa). Cũng có người hỏi tại sao tôi là một nghệ sĩ điêu khắc nhưng lại tham gia phần nhiều vào các hình thức thị giác mới, mà không chuyên chú sâu vào chuyên môn được đào tạo. Tôi cười. Biết nói sao giờ, tôi có những cảm xúc, những nghĩ suy, những ý niệm không thể trói buộc vào một quy định lề thói phải bắt buộc về sự diễn đạt. Điêu khắc hay hội họa hay nhiếp ảnh hay sắp đặt hay trình diễn… với tôi đều là một trong những ngôn ngữ dùng để thể hiện cảm xúc sáng tạo. Và, tôi sẽ không tự trói buộc, hạn chế mình trong một ngôn ngữ nào cả.
TG: Rất cám ơn Chị đã nhận lời “Đối Thoại” với độc giả của bản báo. Thưa Chị, vì mục này đặc biệt chú trọng đến kinh nghiệm của người Việt hải ngoại, Trangđài mời Chị kể về kinh nghiệm sống của Chị ở Nhật Bản.

NKH: Như đã giới thiệu ở trên, vì cần tài chánh để tự do theo đuổi đam mê nên tôi phải sang Nhật đi làm kiếm tiền. Trong một năm sống ở Nhật Bản, tôi đi theo dạng xuất khẩu lao động chứ không phải là được học về Mỹ Thuật. Tôi làm phiên dịch cho các tu nghiệp sinh lao động tại Nhật Bản và bản thân cũng lao động y như họ. Thế nên, kinh nghiệm của tôi tại Nhật Bản không phải là chuyện học hỏi hay sáng tác nghệ thuật mà là giữ thái độ nghiêm túc và kỷ luật trong việc làm.

Chỉ có sau này, sau khi có ‘Himiko visual café,’ tôi được một nhà tổ chức festival nghệ thuật trình diễn mời tham gia vào chương trình Performance of NIPPAF trong mùa hè 2006, và Asian Artists Meet South American diễn ra tại bốn thành phố Tokyo, Nayoga, Nagano & Kumagaya của Nhật, thì tôi mới có được chút kinh nghiệm nhỏ nhoi trong khoảng thời gian ngắn ngủi là hai tuần. Trong mười ngày, đoàn chúng tôi di chuyển qua bốn thành phố và có khoảng tám cuộc trình diễn (một cuộc trình diễn chính thức trong studio và một buổi trình diễn bất chợt ngoài đường phố). Tôi thực sự ngạc nhiên về sự nhiệt tình và đóng góp của các bạn sinh viên tình nguyện Nhật, một yếu tố quan trọng để tạo nên sự thành công cho các chương trình festival trình diễn của NIPPAF. Và tôi nhận ra được một điều quan trọng trong chuyến đi này, rằng ngay cả ở đất nước phát triển như Nhật Bản, performance vẫn chưa thực sự được công chúng thừa nhận và ủng hộ, nói gì đến việc chấp nhận và quan tâm đến loại hình nghệ thuật đương đại này ở Việt Nam.

Thật ra, tôi lại có nhiều thời gian sáng tác nghệ thuật ở Hàn Quốc hơn. Đó là vì tôi được mời tham gia chương trình sáng tác cư trú ở tỉnh Cheongju trong ba tháng (Cheongju Complex Cultural Center, Asian Artists in Residence Program, Choengju, South Korea). Nói chung thì, trong khoảng thời gian ngắn ngủi như vậy, tôi cũng không thể tự mình có nhiều những khám phá về không gian nghệ thuật. Nhưng tôi nhận thấy, so với những nơi tôi đến ở Nhật hay Hàn Quốc, thì hoạt động nghệ thuật ở Việt Nam, dù gặp vài khó khăn trong chuyện kiểm duyệt nhưng vẫn thu hút được sự quan tâm của đông đảo nghệ sĩ và được sự ưu ái của các phương tiện truyền thông. Và, với riêng bản thân tôi, thì chuyện sáng tác tại Việt Nam thực hiện được dễ dàng, thuận tiện hơn, vì ở đây, tôi có thể tự mình làm hết mọi thứ mà không phải nhờ ai, phiền ai như khi tôi sáng tác ở xứ người. (Đó là một trong những ái ngại lớn của tôi khi cần tìm vật liệu gì đó, nhưng lại phải nhờ một ai đó mà tôi lại cảm thấy họ luôn bận rộn).
TG: Mời chị giải thích về cái tên ‘Đứa Bé Nhìn Thấy Lửa,’ và kể cho độc giả về quyết định chọn lấy cái tên này cho đời sống mỹ thuật của Chị. Cái tên là nhân diện của mỗi con người. Sau khi chọn lấy cái tên Himiko, Chị có nhận thấy cuộc sống và cách nhìn của mình thay đổi không, và nếu có, thì thay đổi như thế nào?

NKH: Trong đời sống riêng lẫn trong nghệ thuật, tôi luôn cảm thấy mình chỉ như một đứa bé, cuộc sống và sáng tác luôn được dẫn dắt bằng tình cảm, vụng về trong lý trí. Khi còn là sinh viên, các thầy cũng nhận xét tác phẩm điêu khắc của tôi đầy tình cảm và những tác phẩm của tôi đạt giải triển lãm điêu khắc truyền thống do trường tổ chức là nhờ vào mặt tình cảm đó hơn là kỹ thuật thể hiện. Tôi biết đến cái tên Himiko sau khi đọc tiểu thuyết “Một nỗi đau riêng” của nhà văn Oe Kenzaburo (giải Nobel văn chương 1994). Và ý nghĩa của cái tên này ám ảnh tôi hơn là truyền thuyết về nó, hay là vì Himiko còn là tên vị nữ vương đầu tiên của Nhật Bản. Himiko có nghĩa là ‘đứa bé nhìn thấy lửa.’

Khi chưa vào trường Mỹ Thuật, và cũng chưa biết đến tên Himiko, tôi đã từng chọn một cái tên khác cho mình là “hạt cát nhỏ”, vì cảm thấy sự có mặt của mình trong cuộc đời này thật nhỏ bé và đơn độc. Khi mới ở Nhật về, có rất nhiều cơ hội làm việc và kiếm tiền mở ra cho tôi, nhưng tôi đã từ bỏ tất cả những cơ hội đó để lựa chọn con đường nghệ thuật, để cho đam mê dẫn dắt mình. Nên khi biết đến cái tên Himiko, tôi cảm thấy như mình đã thuộc về nó. Dù mọi người nhận xét, ‘Himiko visual café’ là một không gian có lửa, nhưng tôi không dám nói là mình mang trong người ngọn lửa, tôi chỉ thấy rằng tôi như một đứa bé cô độc trong bóng đêm, nhìn thấy ngọn lửa, và đi về hướng đó. Còn tôi có đến được gần, có chạm được vào ngọn lửa ấm và giữ được nó không, thì là còn cả một quãng đường dài trước mặt. Tôi từng vài lần bỏ cuộc hay thay đổi hướng đi trong vài giai đoạn đã qua trong đời, nhưng từ khi gắn với tên Himiko, tôi biết mình phải đi đến cùng trong sự lựa chọn này.
TG: Trong những tác phẩm văn chương cổ điển, những nhân vật chính thường phải trải qua một cuộc hành trình nào đó để tìm thấy chính mình, để ‘hóa bướm.’ Có lẽ chuyến đi ra nước ngoài (Nhật Bản và Hàn Quốc) đã cho Chị một không gian để tự do khám phá, và một đại dương để đối diện với thử thách trong sáng tạo nghệ thuật. Quá trình thăng hoa của Nguyễn Hoàng Kim đã diễn ra như thế nào?

NKH: Một năm sống ở Nhật không đủ gọi là không gian cho tôi tự do khám phá, vì khi đó, tôi đi để làm việc, và cũng rơi vào một môi trường kỷ luật khắc nghiệt, thiếu tự do (chẳng hạn như tôi không được quyền từ chối làm thêm vào buổi tối, dù tôi rất muốn dùng khoảng thời gian hiếm hoi trong ngày đó để đi gặp gỡ, nói chuyện với người bản xứ). Chỉ có thể nói, khoảng thời gian sống ở Nhật đã rèn cho tôi một tính kỷ luật và một sự nghiêm túc trong công việc. Kinh nghiệm đó giúp tôi nhận ra rằng một công việc bị chi phối bởi áp lực của đồng tiền không phải là con đường dành cho mình, khiến tôi dứt khoát hơn trong việc lựa chọn bước vào con đường nghệ thuật. Và tôi nhận ra một điều, cảm giác cô độc nơi xứ lạ bao giờ cũng dễ chịu hơn cảm giác cô đơn ngay trên chính quê hương mình, giữa những người thân của mình. Tôi vốn sợ cô đơn từ nhỏ, và bị nó ám ảnh suốt thời niên thiếu, nên có thể nói, đó là giai đoạn giúp tôi chấp nhận sự cô đơn, và lựa chọn sự song hành cùng nó trên bước đường nghệ thuật.

Về quá trình thăng hoa của tôi? Tôi nghĩ, mình chưa thực sự chạm tới nó. Tôi có vài khoảnh khắc tuyệt vời khi đi trải qua những chuyến đi thực tế trên mọi miền đất nước trong năm năm thời sinh viên, nhưng đó chỉ mới là những trải nghiệm ngắn ngủi. Có lẽ, quá trình thăng hoa của tôi hãy còn đâu đó trên chặng đường dài trước mặt.
TG: Trong hoàn cảnh toàn cầu hóa hiện nay, một người có thể ‘sống’ ở một nơi nhưng lại có thể ‘thuộc’ về nhiều nơi khác. Chẳng hạn một điêu khắc gia như Chị, sống và làm việc ở Việt Nam, nhưng tư tưởng và sáng tạo của Chị không bị giới hạn bởi không gian địa lý của nơi cư ngụ. Chị có suy nghĩ gì về những tác phẩm của mình – chúng có Việt tính hay không? Và nếu có, Chị định nghĩa Việt tính như thế nào? Hay Chị chỉ sáng tạo, còn việc phân tích thì nhường lại cho giới phê bình nghệ thuật?

NKH: Tôi là một người thuần Việt, sinh ra và lớn lên trong một gia đình còn nặng tính phong kiến, là một trong những thế hệ cuối cùng được giáo dục bởi những quan điểm nghiêm khắc và có phần khép kín. Tôi sang Nhật năm 22 tuổi, và bị một cú sốc văn hóa về những khác biệt của những giới hạn. rước đó, tôi nghĩ mình là một người tự do lựa chọn suy nghĩ, quan điểm, và cách sống. Nhưng dần dần, tôi nhận ra rằng tôi đã có những ngộ nhận về tự do suy nghĩ đó. Những suy nghĩ mà tôi có được, thực ra cũng chỉ như là một trong những món ăn được bày ra trong một bữa tiệc búp phê. Được toàn quyền lựa chọn những món đó, ăn thỏa thích, no nê, tôi nghĩ là mình được tự do lựa chọn mọi thứ, mà không biết rằng, thực chất, đó cũng chỉ là một bữa ăn đã được tính trước, và tôi chỉ được ăn một trong những món mà người ta đã chọn cho mình .Nhưng, cho dù suy nghĩ của tôi có nhiều thay đổi qua những chuyến đi và quan sát, thì mặc nhiên, tôi vẫn còn chưa thoát khỏi những điều khuôn khổ đã thấm nhuần vào máu. Những tác phẩm của tôi là ngôn ngữ nói lên quan điểm, tâm tư tình cảm, cách sống, sự lựa chọn và cái nhìn của tôi về cuộc sống, về con người xung quanh mà tôi là một nguyên tố trong tổng thể đó. Tôi không thể nói nó là tiếng nói đại diện của nhiều người Việt, mà chỉ có thể khẳng định, đó là tiếng nói của tôi, một người Việt. Và chỉ cần như thế, tôi nghĩ, có thể nói là Việt tính.

Tôi không có nhiều cơ hội gặp gỡ và tiếp xúc với giới phê bình nghệ thuật, cũng như, không biết họ có biết đến tác phẩm của một người trẻ như tôi không. Nên đôi khi, tôi cũng phải tự phân tích và nói về quan điểm sáng tạo của mình, một điều mà tôi hoàn toàn không thích lắm. Bởi đơn giản vì tôi nghĩ, tác phẩm đã là một tiếng nói.


TG: Xin được hỏi về cái nhìn của Chị trong vấn đề giới tính và nghệ thuật. Tuy hiện nay, số họa sĩ và điêu khắc gia nữ đã có nhiều, nhưng sự chênh lệch nam nữ vẫn còn rất cao. Chị đã gặp những trở ngại nào, nếu có, trong quá trình đi tìm con đường và tiếng nói nghệ thuật của mình? Và đứng về mặt giới tính, Chị có nhận diện với phái nữ không, hay chọn làm ‘Đứa Bé Đã Nhìn Thấy Lửa’ - một nhân diện ngoài giới tính?

NHK: Ngày nhỏ, cũng có đôi lúc tôi muốn mình là một người đàn ông, để có thể lang bạt kỳ hồ, có thể làm những điều mình thích mà không gặp nhiều trở ngại như khi là một người phụ nữ. Nhưng càng lớn, những giới hạn về giới tính không còn là trở ngại quá lớn với tôi, nhất là khi quan điểm xã hội ngày càng rộng mở, và người phụ nữ cũng có một sự bình đẳng nhất định. Tôi không xoáy sâu vào việc lựa chọn giữa việc chăm sóc gia đình hay dấn thân vào con đường nghệ thuật, vì suy cho cùng, đó cũng là một trong những vấn đề bình thường trong cuộc sống mà bất kì người phụ nữ nào cũng phải đối mặt, và phải lựa chọn. Mà, đã là lựa chọn, thì âu cũng là một điều thuận theo tự nhiên, khi phụ nữ phải hy sinh đam mê nhiều hơn là đàn ông. Còn riêng tôi, tôi đã chọn việc bước vào con đường này, vì thế, chuyện phân biệt giới tính với tôi không còn là vấn đề lớn nữa. Khi tôi làm triển lãm sắp đặt THẾ GIỚI ĐA NGUYÊN ở Hàn Quốc và Sài Gòn năm 2007 về đề tài đồng tính (được mời tham dự triển lãm ở Beclin do Ifa gallery tổ chức vào tháng 12 năm 2009), nhiều người cũng đặt câu hỏi về giới tính của tôi, hỏi tôi có phải là người đồng tính không. Tôi không hiểu, sao người ta không nhìn vào tác phẩm, không đi thẳng vào vấn đề tôi đặt ra, mà lại xoáy sâu vào chuyện riêng tư trong đời sống.

Tôi là một người phụ nữ cơ bản về mọi mặt. Cũng có những ước mơ và khao khát hạnh phúc, và phải lựa chọn một trong những điều khả dĩ trong cuộc sống, chứ không còn là một đứa bé ôm ấp huyễn tưởng về những điều viễn vông. Nhưng trong người phụ nữ nào mà không có một phần trẻ thơ, với những mong chờ ngờ nghệch và niềm tin vĩnh cửu về một ngọn lửa yêu thương luôn thắp sáng? Mà trẻ thơ đa phần như nhau, đều là một nhân diện ngoài giới tính.

TG: Rất cám ơn Chị cho một cuộc “Đối Thoại” lý thú. Mến chúc Chị tiếp tục thành công trong việc nối lửa cho nghệ thuật đương đại, và cho các thế hệ họa sĩ tương lai. Rất mong Chị sẽ có dịp đến Hoa Kỳ để trao đổi về vấn đề mỹ thuật qua chương trình Fulbright.

NHK: Xin cảm ơn chị.
----
(lần đầu tiên mình được 1 bài phỏng vấn không bị cắt chữ nào :) )

1 comment:

Ann said...

quá được ^.^