Hi,

"I'm standing alone in the darkness.The winter of my life came so fast. Sun shine in my eyes I'm still there everywhere-I'm the dust in the wind-I'm the star in the northern sky-I never stay anywhere-I'm the wind in the trees..."

Saturday, July 18, 2009

Đẹp 1001

Báo mới, số thứ 2.


Bàng phỏng vấn gốc từ tháng 10/ 2008.

Thế hệ chúng tôi


Gặp lại nghệ sỹ điêu khắc Nguyễn Kim Hoàng sau chuyến ngao du qua đất Mỹ, vẫn là khuôn mặt tròn đầy trẻ hơn tuổi mà nhiều người nhìn nhầm giống người Nhật. Cũng là một cơ duyên, chị đã từng sống tại Nhật hơn 1 năm và thành thạo ngôn ngữ nước này, cũng như một tay gầy dựng và phát triển quán Cà phê nhìn mang tên Himiko Nguyễn (Trong tiếng Nhật, Himikođứa bé nhìn thấy lửa).

TÔI “MIỄN DỊCH” TRƯỚC CÁI ĐIÊN CỦA NGHỆ SỸ KHÁC

  • Thường thì, người ta hình dung một “nghệ sỹ” luôn có một ngoại hình và cả tính cách hơi khác người, riêng chị thì lại có một ngoại hình trẻ hơn tuổi, chị có thể miêu tả một chút về mình không?

    Tôi thường hay bị nhận xét trẻ con hơn độ tuổi tôi đang có. Mới tháng trước qua Mỹ, trong một cuộc triển lãm Mỹ Thuật, tôi đến lấy ly rượu cho mình thì bị hỏi ID xem có đủ tuổi uống rượu chưa, vào casino thì bị dòm dòm hỏi mày còn con nít mà. Trẻ hơn Mỹ đã đành, mới năm ngoái, khi tôi chạy chiếc xe Atila của người bạn vô bãi gửi xe, thì “được” chú gửi xe thân tình hỏi, “mày chưa đủ tuổi sao dám chạy xe này con”. Hình như, tôi chưa bao giờ “lớn” trong mắt ai cả. Còn, thật ra, tôi cũng thấy mình bình thường như mọi người, cũng bị chi phối bởi cảm xúc và đôi khi cũng để lý trí dẫn dắt. Có khác chăng là bởi cái đam mê vận quá sâu vào người, mà, đam mê nghệ thuật thì không phải ai cũng hiểu. Ngay cả như gia đình tôi, luôn bảo tôi dẹp bỏ Himiko đi cho khỏe người, mà tôi thì vốn cứng đầu và lì lợm, gồng được lúc nào thì cứ gồng, chừng nào hết sức thì buông vậy.

  • Theo chị, nghệ sĩ có cần “điên” không? Và chị đánh giá như thế nào về mức độ “điên” của nghệ sỹ nói chung và của bản thân nói riêng?

    Tôi cũng hay nghe người ta nói nghệ sĩ thì thường hay điên, nhưng, thật ra, trong cuộc sống, ai mà không có lúc điên , lúc tỉnh. Có chăng, “điên” là sự buông thả cảm xúc không kiềm chế lại bằng lí trí, mà nghệ sĩ thì, lý trí quá, làm sao thể hiện được cái tôi, cái tình vào trong tác phẩm đây? Nếu có thể “điên” đúng lúc và tỉnh kịp thời thì tuyệt vời rồi, nhưng không phải ai cũng có thể kiểm soát được cường độ đó. Riêng tôi thì, có thể với gia đình, cái sự “buông mình” vào môi trường nghệ thuật của tôi là điều điên rồ, nhưng với tôi thì lại là lựa chọn không thể nào khác đi được. Ngoài ra, trừ khi bị sự chi phối quá mức của tình cảm (tôi vốn là người lụy tình), thì trong sáng tác, tôi cũng tự biết cách điều chỉnh để điên một cách vừa phải và tỉnh ra kịp lúc. Còn với nghệ sĩ khác, tôi “miễn dịch” trước cái điên của họ nên không thể đo được cường độ của ai cả.

    TÔI CẢM THẤY MÌNH SẮP SỬA BUÔNG…

  • Có người cho rằng nghệ sỹ là một con buôn khéo tay, nghĩa là buôn từ tác phẩm của mình tới buôn những hoạt động xung quanh tác phẩm trong đó có kinh doanh “tên tuổi”, kinh doanh dịch vụ cộng thêm, và dường như nghệ sỹ khi kinh doanh đều khá thành công, quan điểm của chị về vấn đề này ra sao?

    Có thể với ca sĩ hay diễn viên thì do sức hút với một số lượng fan hâm mộ thì điều này có vẻ đúng, nhưng với tôi thì quan điểm này phá sản. Tôi thực sự là con buôn dở tệ và hoàn toàn không biết cách khai thác tên tuổi hay thương hiệu (nếu có) của mình.

  • Chị cũng đã từng nói rất ghét việc kinh doanh, đi từ điểm chung của nghệ sỹ là tính tự ái và tự trọng cao hơn người khác, vậy sao chị vẫn chọn công việc này mà không phải là chuyên tâm vào sáng tác?

    Tôi vẫn sáng tác đó thôi. Tính đến thời điểm sau khi tốt nghiệp (cũng là thời gian bắt đầu khởi dựng Himiko visual café) tôi đã có 3 cuộc triển lãm cá nhân (trung bình mỗi năm 1 lần), và tham gia 2 chương trình sáng tác nghệ thuật dài ngày ở Nhật Bản và Hàn Quốc. Ngay cả việc cố gắng duy trì hoạt động của Himiko, tôi cũng không nghĩ mình đang kinh doanh quán cà phê, mà là như đang gìn giữ một không gian hoạt động nghệ thuật cộng đồng. Đơn giản là tại đây, tôi và bạn bè tôi có thể trưng bày, giới thiệu tác phẩm của mình một cách thoải mái và đến được với nhiều đối tượng người xem mà không phải lệ thuộc vào những giới hạn thời gian hay thủ tục rườm rà như khi trưng bày ở những không gian khác. Có giới hạn chăng là tôi phải thay đổi ngôn ngữ thể hiện vì trong điều kiện hiện tại, điêu khắc, chuyên môn tôi được đào tạo chính quy từ trường đại học, không thích hợp về mặt tài chính cũng như về nơi chốn để tôi chọn lựa.

  • Dường như, phía sau sự thành công của mỗi nghệ sỹ đều có bóng dáng của một hoặc nhiều vị “ân nhân” nào đó, chị có nằm trong trường hợp này không?

    Tôi không chắc mình có được xếp vào dạng nghệ sỹ thành công không nữa. Vì hiện tại, tôi thấy mình còn đang quá gồng mình mệt mỏi. Chỉ có thể nói rằng, để đứng được cho đến ngày hôm nay, thì phía sau tôi có sự động viên của vài người bạn và sự giúp đỡ, cũng như lời khuyên của một vài “người lớn” trong lúc gian nan nhất. Nhưng đường thì dài, rồi, có lúc, tôi thấy mình thật đơn độc với những lo âu tính toán không hợp với bản chất của mình. Như lúc này đây, tôi thực sự không biết có ai phía sau tôi hay không nữa. Cái tiếng của Himiko làm mọi người ảo tưởng về tôi. Tôi phải nói thật rằng tôi đang đuối sức bởi sự thay đổi nơi chốn giữa chừng sau 2 năm tưởng đã làm tôi trắng tay. Ráng gồng thêm nửa năm nữa đến giờ tôi bắt đầu mỏi mệt. Tôi đang cảm thấy mình sắp sửa buông, bởi không đủ lực để theo một công trình đòi hỏi sự dài hơi như thế này.

    TẠI SAO PHẢI THỎA MÃN TÒ MÒ CỦA NGƯỜI KHÁC

  • Chị từng tổ chức một chương trình nghệ thuật cộng đồng Free Hug khá đình đám, lấy ý tưởng từ hoạt động của một chương trình tại Úc. Chị đánh giá như thế nào về những hoạt động như vậy khi thực hiện ở Việt Nam?

    Tôi không nghĩ từ “đình đám” là chính xác, vì, tôi và Nam Phương đã thực hiện điều đó khá lặng lẽ, theo đúng tinh thần “Free hug”, để cảm nhận một cách giản dị sự tiếp nhận những cái ôm nồng ấm bất ngờ từ những người xa lạ. Cho đến bây giờ, những video clip tôi quay vẫn chưa đưa lên YouTube như đã dự định chia sẻ như sự tiếp nối chương trình đó. Chỉ đến khi phóng viên Tuổi Trẻ đến với dự định đưa tin về Freehugs tôi thực hiện ở Himiko, thì tôi mới cho anh biết về chuyện chúng tôi làm, vì đó mới đúng tinh thần “Free hug” một cách “nguyên chất” hơn. Tôi hơi dị ứng với những phong trào Free hugs được khởi xướng trên blog sau đó, với những băng rôn, khẩu hiệu và một đám đông ồn ào mang tính chất biểu hiện và “đình đám” để lập kỷ lục gì đó hơn là thực sự cần một cái ôm như đúng ý nghĩa nguyên thủy của Juan Mann - người Úc đã khởi xướng nên phong trào Free hug.

  • Trong một lần tham gia dự án nghệ thuật “Art Maraton”, chị đã chọn đề tài “Thế giới đa nguyên” mà tinh thần chung là về đồng tính. Người ta sẽ đặt câu hỏi “liệu những ẩn ức bên trong được sắp đặt thành nghệ thuật hay chính người nghệ sỹ thể hiện những ẩn ức của người khác bằng cái tài của mình”?

    Nếu như tất cả những “sắp đặt thành nghệ thuật của người nghệ sĩ đều xuất phát từ những ẩn ức bên trong” thì có lẽ, người nghệ sĩ phải vận lấy khá nhiều những bi kịch cuộc đời, những đớn đau tinh thần, những chồng chất số phận? Mà tôi nghĩ, một kiếp người không thể nào mang vác hết. Tôi chỉ cảm thấy rằng, một tác phẩm nghệ thuật mang tính cộng đồng nói chung, là một thứ ngôn ngữ mà muốn thể hiện nó, người ta phải lăn lê bò toài vào những mảnh đời, học lấy tiếng nói của người trong cuộc, vận lấy những nghĩ suy, day dứt như chính mình là… Thật ra thì, người nghệ sĩ nào, rồi cũng có một lần làm lẫn lộn cả hai vế đó, nhưng rốt cuộc phải là, tác phẩm anh như thế nào, có được sự thừa nhận của thế giới mà anh thể hiện không. Riêng bản thân mình, tôi không quan tâm lắm đến những tò mò cố ý của những câu hỏi xoáy vào khía cạnh nhạy cảm. Trong mắt tôi, tất cả những tình yêu thương đều giống nhau về bản chất, tôi không quan tâm lắm và cũng không cảm thấy mình phải có nhiệm vụ thỏa mãn những tò mò về góc độ riêng tư mà người khác xoáy vào.

    NGHỆ SĨ CỨ NÊN LÀ KẺ CỰC ĐOAN NHẤT

  • Quan điểm cũ cho rằng “nghệ sỹ là người nói lên tiếng nói số đông bằng cách riêng của họ”, nhưng kết quả là người ta nhìn thấy “nghệ sỹ chỉ nói lên tiếng nói của chính họ bằng một cách không mấy dễ hiểu”. Chị nghĩ sao về điều này?

      Cũng tùy thôi. Có thể, người ta nhìn thấy những nghệ sĩ chỉ nói lên tiếng nói của chính họ, mà họ cứ tưởng là mình đang cất tiếng cho đám đông, nên cũng không mấy người hiểu. Tôi thực ra không biết về “quan niệm cũ” này đâu. Và bản thân tôi, cũng ít khi nào nghĩ rằng mình là người cất tiếng của đám đông. Bởi, cho dù có đưa ra một đề tài nào đó, tôi cũng thể hiện theo góc nhìn của mình, dựa trên chủ thể quan điểm là mình, mà trong đám đông đó, có vài người hiểu được đã là đáng quý. Tôi thì thấy rằng, người nghệ sĩ cứ nên là một kẻ cực đoan nhất, giữ cái tôi nhất, mang một nét riêng biệt nhất, đừng để lẫn lộn vào trong đám đông, chỉ cần cất tiếng nói mà ai nghe cũng biết là của riêng chính họ là đã thành công rồi. Còn hiểu thì, tùy duyên, tùy thời và tùy người thôi.

  • Ở thế hệ của chị và nhận xét những quan điểm nghệ thuật hiện đại, chị đang chọn cho mình con đường nào?

Có bao nhiêu con đường ở cái thế hệ của tôi? Có bao nhiêu quan điểm nghệ thuật hiện đại? Tôi còn không biết nữa. Ngay khi sắp tốt nghiệp đại học, tôi đã định sẵn cho mình con đường của những chuyến đi, những khám phá ,thể nghiệm… và không mang vác quá nhiều vào mình. Rồi tôi gặp vài người theo cơ duyên, đẩy đưa tôi bước vào con đường nhiều khó khăn này, rốt cuộc còn lại mình tôi. Tôi có bước tiếp được hay phải rẽ ngang, tôi vẫn còn chưa biết. Nhưng, có vẻ như, nói theo cách của anh thì, có vẻ như tôi đang sắp lựa chọn con đường “thể hiện những ẩn ức riêng tư”!

  • Được biết, tại Himiko Salon, chị đã nhận tổ chức triển lãm cho những sinh viên mỹ thuật trẻ mới ra trường và những triển lãm của trẻ em đường phố, xét một mặt nào đó, đây có thể xem như là một hoạt động “từ thiện” của chị không, vì về mặt kinh doanh là không có doanh thu?

    Tôi gọi đó là một trong hoạt động hỗ trợ và giúp sức cho những người trẻ chưa đủ điều kiện có thể tự ra mắt mình. Tôi không thể gọi là hoạt động từ thiện, bởi lẽ, bản thân Himiko chưa đủ lực để có thể làm từ thiện (vẫn phải lấy một phí cơ bản nhất là phí party). Và, chính Himiko cũng là một không gian trẻ đang cần sự hỗ trợ và giúp sức mới có thể đủ sức dài hơi mà đứng vững.

  • Theo quan sát của chị, thì Himiko có phải là quán cà phê nhìn đầu tiên ở Sài Gòn không?.

    Your browser may not support display of this image. Tôi chẳng thể khẳng định Himiko có phải là một quán cà phê nhìn đầu tiên hay không, bởi lẽ, có nhiều quan điểm khác nhau về quan niệm “nhìn”. Chẳng hạn, trước đó cũng đã có 1 vài quán treo 1 vài bức tranh hay thư pháp gì đó, và gọi đó là cà phê nghệ thuật. Tôi chỉ có thể nói là ở Sài Gòn, Himiko là quán cà phê đầu tiên đưa mô hình không gian nghệ thuật công đồng vào tiêu chí hoạt động nghiêm túc và tổ chức triển lãm một cách thường xuyên. Sau đó, theo tôi biết thì có 2 nơi cũng bắt đầu mô hình này ở Sà Gòn nhưng hiện tại, cả 2 nơi đó đều không còn hoạt động nữa. Còn theo như người ngoài, một nghệ sĩ người Nhật sống vài năm tại Việt Nam giới thiệu của cho ART iT -một tạp chí nghệ thuật tại Nhật khi được yêu cầu giới thiệu 5 không gian gian nghệ thuật có ảnh hưởng nhất tại Việt Nam thì Himiko là một trong những lựa chọn đó, cũng khiến tôi hơi ngại ngùng. Nhưng, có thể, đó là điểm khác biệt so với quán cà phê “nhìn” nào đó mà anh định so sánh.

  • Chị có thể chia sẻ một chút về những dự định sắp tới của chị về nghệ thuật?

Tôi thực sự muốn tự do tham dự chương trình của các trại sáng tác nhiều nơi. Nhưng trước mắt, để giữ gìn Himiko thì tôi đành gác lại những đam mê đi lại và toàn tâm vào nó. Nên, có lẽ, dự định nghệ thuật sắp tới của tôi chỉ là Himiko và Himiko (tôi đã nói, tôi xem Himiko là một tác phẩm nghệ thuật cộng đồng hơn là một dự án kinh doanh). Trong chuyến đi Mỹ vừa rồi, tôi có gặp lại một người bạn lâu năm, và người đó rất quan tâm đến việc mở một mô hình Himiko visual café thứ hai tại Mỹ. Nếu như mọi việc suôn sẻ, tôi hy vọng trong tương lai không xa, tôi có thể giới thiệu một góc hoạt động của không gian nghệ thuật trẻ tại Việt Nam tại đó.

Còn hiện tại, chân tay đầu óc dính chặt nơi này, tôi đang bắt tay vào tập tành một ngôn ngữ nghệ thuật còn khá mới mẻ với tôi. Bao giờ xong, tôi sẽ trình làng vậy.

VŨ NGUYÊN thực hiện

2 comments:

phinstar said...

1 bài phỏng vấn hay, cả người hỏi và người trả lời đều khiến người đọc phải suy nghĩ

lê vân 16/02 /1985 said...

hay! Em đang làm bên báo tuổi trẻ. Khi nào có tranh mới ở gallery nhắn e với nhé!
Mail của e: levan162@gmail.com
ĐT: 0903.219.601