Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Kim Hoàng (Himiko.Nguyễn)
"Nhìn thấy lửa và có được lửa khác xa nhau lắm!"
(THANH XUÂN).
Tự nhận mình không có khiếu diễn đạt khi phải đối thoại trực tiếp, cô gái có khuôn mặt “tiếu diện” này đã thổ lộ rằng: “Trong năm năm nay, từ lúc Himiko ra đời, tôi chỉ có duy nhất một trải nghiệm sống, là nỗ lực hết mình cho một công việc không thuộc về sở trưởng của mình”.
Tôi muốn bắt đầu bằng những lựa chọn của riêng mình
- Thưa chị, nghệ danh Himiko.Nguyễn chắc đã có từ khá lâu rồi thì phải?
Từ năm 2005, sau khi tôi tốt nghiệp đại học Mỹ Thuật và mở Himiko visual café. Thật may rằng phong trào chọn tên ngoại trong giới ca sĩ mới chỉ bắt đầu hơn một năm nay chứ không thì có thể một số người nghĩ rằng tôi sính tên ngoại nên chọn tên này.
- Chắc hẳn nó gắn với một kỷ niệm, một con người hay một nơi chốn nào đó?
Tôi từng sống ở Nhật 1 năm nhưng tôi chọn cái tên này vì chính ý nghĩa của nó. Trong tiếng Nhật, Himiko là “đứa bé nhìn thấy lửa”. Đó cũng là tên mà một người từng rất quan trọng với tôi dùng để gọi riêng tôi. Cũng có thể vì tên tiếng Việt của tôi nghe nam tính quá, ai gọi điện cho tôi cũng bắt đầu bằng câu “cho gặp anh Hoàng”. Cũng có thể, tôi muốn bắt đầu con đường nghệ thuật với những chọn lựa của riêng mình và không gây ảnh hưởng gì đến gia đình, vốn rất truyền thống và lạ lẫm với nghề nghiệp của tôi.
- Chị sinh ra trong một gia đình như thế nào?
Một gia đình truyền thống và ít nhiều phong kiến.
- Vậy, lối sống truyền thống của gia đình có ảnh hưởng đến tính cách hay quan niệm sống của chị không?
Dù tôi vẫn luôn cưỡng lại và nổi loạn trong suy nghĩ từ nhỏ nhưng không ít thì nhiều, có những điều đã ngấm sâu vào máu mà tôi không thể tự cởi bỏ được.
- Ai là người ảnh hưởng đến quan điểm nghệ thuật của chị nhiều nhất?
Tôi, cuộc sống của tôi.
- Có người nói rằng, phải có một chút điên khùng trong mỗi người nghệ sĩ, ở chị có điều đó không?
Tôi nghe khá nhiều lần câu hỏi này. Thực ra, không phải chỉ với nghệ sĩ mà trong mỗi con người ai cũng có những giây phút điên khùng cả. Khi người ta yêu, khi người ta xuất thần hay phút giây nổi loạn… Tôi cũng không thể ngoại lệ. Vì dù sao, việc sáng tác mà quá tỉnh táo và lý trí thì cảm xúc không thể tràn đầy. Nhưng tôi cũng không quá đỗi điên khùng để quên mất mình là ai hay ảo tưởng về chính bản thân mình.
- Vậy chị là mẫu người thế nào? Một lò lửa nóng ẩn đằng sau vẻ ngoài mạnh mẽ nam tính chăng?
Tôi không nhận mình là lò lửa. Tôi chỉ là một đứa bé nhìn thấy lửa. Việc nhìn thấy lửa với việc có được lửa khác xa nhau lắm chứ. Vì tôi rất nhiều khi lạnh lẽo và cô độc mà người ta cứ nghĩ rằng tôi ấm áp và hạnh phúc.
Tôi biết, rất nhiều người nghĩ rằng tôi là một người mạnh mẽ. Tôi thường nói vui với bạn bè thế này, người mạnh mẽ không đến với tôi vì nghĩ rằng họ không có ý nghĩa với tôi, tôi không cần bờ vai để dựa vì tôi quá mạnh mẽ. Còn người yếu đuối thì nghĩ rằng họ cần tôi, tôi có thể truyền cho họ sức mạnh, nhưng sau khi đến gần, họ nhận ra rằng tôi có khi còn yếu đuối hơn cả họ, nên họ ra đi. Rốt cuộc, không ai dành cho tôi cả.
Tôi nghĩ, mình có tổng hợp nhiều phần cơ bản của con người, đã từng như một người già, có một ít đàn ông, một chút đàn bà, nhiều phần trẻ thơ. Nếu bạn từng đọc blog của tôi, sẽ thấy nhiều hình ảnh món ăn tôi tự nấu và khoe nơi đó. Tôi nghĩ tôi là người tình cảm, biết chăm sóc cho người mình yêu thương và cũng cần một bờ vai để dựa.
Tôi đã để lạc mất ngọn lửa của mình
- Chị từng nói rằng, mình “là một người phụ nữ cơ bản về mọi mặt có một phần trẻ thơ với những mong chờ ngờ nghệch và niềm tin vĩnh cửu về một ngọn lửa yêu thương luôn thắp sáng”, cụ thể niềm mong chờ này chỉ cho riêng cá nhân chị hay còn dành cho ai khác?
Có ai tự mong chờ chính mình không nhỉ? Hẳn nhiên là câu nói đó tôi hướng về một người đã khiến mặt tôi tỏa sáng và lấp lánh niềm vui trong một thời điểm mà khiến ai quanh tôi cũng có thể nhận thấy. Tôi đã từng ngờ nghệch im lặng khi cần phải nói một điều quan trọng nên tôi đã để lạc mất ngọn lửa của mình. Nhưng tôi tin, tôi chưa là quá khứ, không là hiện tại, thì sẽ là tương lai của người đó dù tôi không bằng mọi giá tìm cách đạt cho bằng được điều tôi mong muốn. Tôi đọc ở đâu đó câu nói rằng, khi mình vững tin vào điều gì đó, thì sẽ đến lúc điều đó sẽ thành hiện thực. Tôi biết nhiều khi là viễn vông, chỉ có một đứa trẻ mới có thể tin y như là thực, nhưng niềm tin đó vẫn luôn hiện hữu.
- Vậy, riêng cá nhân chị, chị mong gì cho riêng mình?
Tôi mong sẽ đến ngày tôi thực sự nhận được sự ấm áp lan tỏa từ ngọn lửa mà tôi nhìn thấy.
- Có phải một chút cảm giác cô đơn, buồn phảng phất bắt gặp ở Himiko café cũng phản ánh tâm trạng chủ nhân của nó?
Tôi nghĩ, có lẽ là phản ánh chính tậm trạng của người cảm nhận thì đúng hơn. Vì đa số những người đến đây và ghi lại cảm xúc đều là bắt gặp chính mình trong sự phản chiếu. Có người khách nói vui với tôi rằng, khi đến Himiko, họ không còn cảm thấy buồn nhiều nữa, bởi nơi đây còn buồn hơn cả thế.
Thực ra thì gương mặt tôi không hợp với nỗi buồn, mà hợp với nụ cười hơn. Những người Nhật biết tôi ngày xưa từng nói tôi là đứa bé có gương mặt “tiếu diện”, vì tôi luôn gấy ấn tượng cho họ khi tôi mỉm cười. Vậy nên, khi tiếp xúc với tôi, bạn sẽ luôn thấy tôi cười (hoặc nhiều lúc khó tính quạu quọ ) chứ ít khi nào thấy tôi buồn. Nếu có thể nhận biết biết nỗi buồn ở tôi, có lẽ chỉ qua câu chữ.
- Chị rất hay nhắc đến Nhật trong các câu chuyện của mình,có vẻ như trong chị có một mối tình rất sâu đậm với đất nước, con người Nhật Bản?
Tôi nghĩ đó là một cái duyên thì đúng hơn. Ngoại ngữ đầu tiên tôi học là tiếng Nga và từng đạt giải sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Nga và lọt vào vòng thi cấp quốc gia môn này. Hai đại học tôi đậu cũng là khoa Nga trường Đại học Tổng hợp và Sư phạm. Ngoài Việt Nam , đất nước đầu tiên mà tôi yêu cũng là nước Nga cùng với những tác phẩm văn học nước ngoài đầu tiên tôi đọc. Những bài hát nước ngoài đầu tiên tôi biết hát cũng là những bài hát tiếng Nga. Nhưng, đất nước tôi đặt chân đến đầu tiên lại là nước Nhật, con người đầu tiên tôi tiếp xúc và cùng làm việc cũng là người Nhật. Và, những thay đổi đầu tiên trong suy nghĩ của tôi cũng có được từ đất nước này. Ở nơi đó có người mẹ Nhật Bản làm thay đổi suy nghĩ của tôi về nhân cách sống. Thái độ làm việc nghiêm túc hay tinh thần trách nhiệm là điều tôi học được trong khoảng thời gian làm việc ở Nhật.
Tôi không dám gọi đó là mối tình sâu đậm, mà nghĩ đó là một cái duyên trong đời sống. Giờ đây, tiếng Nhật là ngoại ngữ duy nhất tôi có thể diễn đạt và hiểu (dù tôi cũng quên mất một nửa rồi). Còn tiếng Nga trong tôi chỉ còn lại những bài hát.
- Nhiều người biết Himiko.Nguyễn nhận xét rằng, đây là một người đàn bà dễ xúc động, thích ôm đồm nhưng dứt khoát như đàn ông, chị thấy có đúng không?
Người ta thường nhìn thấy tôi qua cái vẻ bên ngoài mà họ tưởng là vậy. Tôi là người miền Tây, trực tính, nhiều khi thành nóng nảy nên phản ứng ngay với những điều vô lý thì mọi người nghĩ tôi dễ xúc động chăng? Thật may, điều này không mâu thuẫn với tính cách nghệ sĩ cần có. Nhưng ôm đồm và dứt khoát thì có lẽ không đúng lắm. Có vài người hỏi tôi sao không làm thêm nhiều việc xyz… khác, nhưng tôi tự biết sức mình thế nào nên không cố những điều mà một mình tôi thì không thể làm được. Tôi cũng không dứt khoát như đàn ông được, vì ít nhiều nhân nhượng (trong giới hạn hợp lí) và đôi lúc cũng “thôi, kệ”.
Tôi không muốn nghĩ đến sự buông bỏ, bây giờ
- Dường như chị đã dồn hết tâm sức cho Himiko café và hẳn nhiên, Himiko café sẽ mang những dấu ấn của chị?
Có ai đó đã nói với tôi rằng, dù ba lần di dời địa điểm và ba không gian hoàn toàn khác nhau với nhiều lần thay đổi qua gần 40 cuộc triển lãm thì cái hồn của Himiko vẫn không thay đổi (Himiko ở Huỳnh Tịnh Của là một không gian trầm uất lắng đọng, Himiko ở Phan Đăng Lưu là một không gian tươi mới và trong sáng. Còn Himiko hiện tại ở Điện Biên Phủ là sự hòa trộn của một chút trầm lắng, một chút cô đơn với những mảng sáng và mảng xanh từ những dây leo tôi mang về trồng). Vẫn luôn cô đơn và nhiều phảng phất buồn vì nhiều khi vắng lặng quá chăng? Dấu ấn cá nhân tôi có lẽ là qua những tác phẩm điêu khắc của tôi đặt quanh quất nơi đây.
- Không gian đậm chất nghệ thuật của quán có làm giới hạn khách đến quán không?
Bạn biết rồi đó, Sài Gòn có lẽ là nơi tập trung nhiều nhất các quán cà phê với rất nhiều hình thức khác nhau với nhiều gu thưởng thức khác nhau. Điều khiến chính tôi cũng ngạc nhiên là trong năm 2006, chưa tới 1 năm sau khi hoạt động, thì Himiko đã lọt vào top mười quán cà phê độc đáo ở Sài Gòn trên các diễn đàn mạng. Nhiều bạn trẻ tìm đến đây chỉ vì nó là một quán café mang đậm chất nghệ thuật mà không hề phô diễn sự khùng điên hay nhức đầu nhức óc với những triết lý nghệ thuật cao siêu. Tôi chỉ muốn những tác phẩm nghệ thuật đến gần hơn với người xem, dù lặng lẽ vô hình thôi. Và qua đó, có thể chứng minh rằng nghệ thuật hoàn toàn có thể ứng dụng vào không gian trong đời sống thực chứ không phải chỉ một năm đôi lúc nằm ở những nơi xa cách lạnh lẽo như gallery hay bảo tàng.
Có lẽ, việc giới hạn số lượng khách đến Himiko không vì nó đậm chất nghệ thuật, mà bởi Himiko phải chuyển địa điểm liên tục 3 lần trong 5 năm nên số lượng khách quen rơi rụng dần. Vì bây giờ, tìm địa chỉ Himiko trên google, ra đến 3 địa chỉ khác nhau ở xa nhau cũng khiến người ta bối rối.
- Thế, tiêu chí đầu tiên của Himiko café là phục vụ nghệ thuật hay kinh doanh?
Nghệ thuật tự thân nó chưa thể sống được trong thời điểm này. Tôi muốn việc kinh doanh nuôi dưỡng được nghệ thuật.
- Với lượng khách quen cứ “rơi rụng dần” thì việc kinh doanh liệu có tiếp tục nuôi sống được không gian nghệ thuật này không?
Nếu tôi không phải thay đổi địa điểm liên tục, thì có lẽ đến giờ Himiko đã có thể tự thân nuôi được chính nó. Hiện tại, tôi vẫn cố gắng duy trì được Himiko nhưng nếu phải thay đổi địa điểm lần nữa, thì e rằng tôi không còn sức.
- Qua ba lần thay đổi địa điểm và phong cách thiết kế của quán cũng biến đổi, liệu sự thay đổi này bắt nguồn từ những trải nghiệm sống liên tục thay đổi của chị hay chỉ để phù hợp với xu hướng xã hội từng thời điểm?
Tôi không thể chạy theo xu hướng của xã hội để được nghĩ là phù hợp thị hiếu. Mà “chạy theo” ai bây giờ? Sao không làm cho mình thoải mái và yêu thích nó?. Những thay đổi về thiết kế không gian chỉ có một mục đích duy nhất là ứng dụng nghệ thuật một cách tốt nhất và phù hợp với chính không gian ấy trong khả năng tài chính tôi có và không được vượt quá giới hạn thay đổi kiến trúc của chủ nhà nữa. Nhưng ngay cả như không gian không thay đổi, thiết kế không thay đổi, thì bản thân những cuộc triển lãm khác nhau đã tạo nên những liên tục thay đổi về cảm giác cho những người khách thường lui tới nơi đây.
Và, tôi không nghĩ cụm “những trải nghiệm sống liên tục thay đổi” là dành cho tôi. Trong năm năm nay, từ lúc Himiko ra đời, tôi chỉ có duy nhất một trải nghiệm sống, là nỗ lực hết mình cho một công việc không thuộc về sở trưởng của mình. Quản lý và kinh doanh không phải là thế mạnh của một người nghệ sĩ, và tôi hoàn toàn không làm tốt nó. Mà tôi thì đã mất nhiều năm mới bước vào con đường nghệ thuật thì không có lý do gì để tôi phải từ bỏ sự lựa chọn của mình sau quá nhiều từ bỏ.
- Nếu giả sử có phải chuyển lần thứ tư thì Himiko café sẽ như thế nào?
Tôi không biết. Tôi không chắc Himiko sẽ còn. Tôi đã chuẩn bị tinh thần để chấp nhận việc khó khăn nhất là buông bỏ mọi thứ. Nhưng tôi không muốn nghĩ về điều đó trong thời điểm này. Năm nay là năm tôi thu hết toàn lực để tận dụng không gian này trong từng khoảng thời gian một để thực hiện dự án Tiếp diễn (bắt đầu từ 19/11/2010 và kết thúc vào 19/11/2011). Nếu Himiko có không còn nữa, thì tôi cũng không nuối tiếc vì đã cố gắng hết sức mình có thể.
TẠP CHÍ MỸ THUẬT THÁNG 5/2011 (tr.128~131)