Thanh Tâm - Sinh viên trường Đại học RMIT:
“Hòn sỏi nhỏ cũng đem lại điều tốt đẹp cho cuộc sống thì tại sao làm người lại không thể cống hiến nhỉ?” Có lẽ nhiều người có những chuyến đi không thể nào quên theo những kiểu khác nhau. Có thể vui, có thể buồn, có thể rất ấn tượng vì một điều gì đó. Riêng tôi mỗi khi lục lại trí nhớ của mình tôi vẫn thấy rằng chuyến du lịch đầu tiên của tôi đến thành phố biển Nha Trang là chuyến đi đáng nhớ nhất. Lần đầu tiên đặt chân đến đây, tôi thật sự ngỡ ngàng. Trong tưởng tượng của tôi Nha Trang là một cái vịnh với những mái nhà tranh nhấp nhô trên mặt biển xanh và bờ biển là bãi cát trắng trải dài được tô điểm bằng những hàng dừa xanh ngắt. Thế nhưng, tôi đã lạc hậu và bất ngờ vì Nha Trang hoang sơ và cổ kính như tôi nghĩ, giờ đã hiện ra trước mắt tôi là một thành phố hiện đại. Từ bất ngờ này đến bất ngờ khác, tôi không chỉ được ngắm cảnh đẹp mà còn được những người dân mến khách giúp đỡ. Các bạn biết không tại đây tôi đã quen một cô bé bán hàng rong rất dễ thương. Cô bé cứ quấn lấy tôi để massage cổ và gáy của tôi để mời tôi mua chỉ vài tấm ảnh phong cảnh. Chỉ có mấy ngày vậy mà tôi với cô bé trở nên thân thiếthơn. Cô bé như một hướng dẫn viên du lịch đặc biệt của tôi. Tôi thấy vô cùng thân thiện và chẳng lo sợ gì khi ở thành phố xa lạ này. Cảm xúc càng dâng trào khi lần đầu tiên tôi được ngắm biển. Biển Nha Trang thật đẹp và thơ mộng. Tôi lại tròn xoe mắt nghe cô bé hướng dẫn viên đặc biệt của tôi giải thích tại sao gọi hòn Tằm, hòn Sỏi. Ồ thì ra, hòn Tằm vì hình dáng của đảo đó giống hệt như con tằm khổng lồ đang bò trên biển. Còn hòn Sỏi là nơi có hàng ngàn viên sỏi lớn nhỏ bị bào mòn qua hàng ngàn năm. Tôi nhìn nó thật có hồn. Tôi suy nghĩ một cách hồn nhiên: tại sao thiên nhiên lại tạo ra được những phong cảnh tuyệt vời như thế này và tôi muốn làm một điều gì đó để giữ mãi nét đẹp ban sơ của biển cả. Tôi còn nghĩ những hòn sỏi nhỏ cũng đem lại cho cuộc sống những điều tốt đẹp thì tại sao làm người lại không có thể cống hiến điều gì đó tốt đẹp cho cuộc sống này nhỉ? Tại Nha Trang, tôi cũng được tắm bùn non lần đầu tiên. Cảm giác thật lạ, thật thú vị. Tôi sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn thì chuyện tắm bùn giống như là mình đi đến một bộ lạc nào xa xôi vậy. Sau chuyến đi này, tôi cũng đã kể lại rất nhiều cho bạn bè và gia đình nghe về tất cả những gì tôi được tận hưởng. Bây giờ tôi cũng thường đi du lịch nhưng không hiểu sao chuyến đi này vẫn mãi mãi để lại cho tôi cảm giác thú vị nhất. Chắc chắn đó là chuyến đi đáng nhớ nhất của tôi trong cuộc đời. Nghệ sĩ thị giác Nguyễn Kim Hoàng: Những chuyến đi khó khăn giúp tôi rèn luyện bản lĩnh Kim Hoàng hay được biết đến với tên gọi quen thuộc trong giới mỹ thuật là Himiko Nguyễn. Năm 2006, chị tham gia festival về nghệ thuật Trình diễn giữa các nghệ sĩ châu Á và Trung Nam Mỹ tại nhiều thành phố của Nhật, triển lãm sắp đặt “I see” tại Himiko Saloon. Năm 2007, chị tham gia festival nghệ sĩ trẻ toàn quốc, tổ chức triển lãm nhiếp ảnh cá nhân “Closer”, triển lãm chân dung điêu khắc “Đối thoại” cùng với nghệ sĩ Trần Tuấn Nghĩa. Vào đầu tháng 8 này, chị cùng với ba đại diện khác của Việt Nam tham dự trại sáng tác nghệ thuật tại Hàn Quốc. Quá trình sáng tác của chị gắn liền với chữ “Đi”. Mà cũng từ chuyện “Đi” ấy mà có nhiều chuyện không kém phần ly kỳ, hấp dẫn. Ít ai biết trước đó, Kim Hoàng từng là một phiên dịch viên. Năm 1998, Kim Hoàng từng đi xuất khẩu lao động tại Nhật. Con đường đi có nhiều ngã rẽ bất ngờ khiến cô phiên dịch trẻ tiếng Nhật có lúc phải làm việc như nhiều công nhân khác. Những ông chủ Nhật Bản gần như muốn tận dụng hết sức lực từ nguồn nhân công rẻ tiền nên Kim Hoàng gần như không còn khoảng thời gian nào dành cho dự định lang thang, gặp gỡ trò chuyện cùng người dân bản xứ để nâng cao trình độ. Hoàng kể: “Mỗi ngày làm đến 9 giờ tối đã rút hết của tôi mọi sức lực. Chúng tôi phải làm thêm ngay cả ngày nghỉ, ngày lễ. Họ lo sợ tu nghiệp bỏ trốn ra ngoài nên đưa ra những luật lệ hết sức vô lý, khắt khe. Hiếm hoi lắm tôi mới có thời gian lang thang. Áp lực công việc đè nặng cộng với tự ái dân tộc và sự bất đồng về suy nghĩ, tôi gần như phát điên lên vì cảm thấy không được sống như một con người. Đầu tôi như muốn vỡ tung vì những câu hỏi không sao giải đáp. Có lúc tôi phải lên xe cấp cứu vì căn bệnh suy nhược thần kinh. Và đến một lần vì quá căng thẳng, tôi đã đút cả bàn tay vào máy ép hơi nước”. Kim Hoàng tưởng chừng như đã chết ngất với ý nghĩ là phải mất đi bàn tay phải. Đau đớn, buồn tủi của một người xa quê trong chuyến đi Nhật đó khiến chị quyết định vứt bỏ tất cả để về nước. “Làm lại từ đầu với hai bàn tay trắng. Số vốn duy nhất mà tôi có được sau chuyến xuất ngoại ấy là một tinh thần làm việc nghiêm túc và hơn hết là sự trưởng thành. Tôi đã có thể đứng được trên chính đôi chân của mình. Tôi đã khiến ông giám đốc cũ người Nhật phải nhìn tôi bằng một cái nhìn tôn trọng khi chứng minh một chân lý rằng không phải tất cả người Việt Nam sang ấy đều vì tiền. Tôi vẫn nhận lời cộng tác với ông ta mỗi lần sang đây làm việc. Tôi cũng không muốn giữ mãi những ấm ức của khoảng thời gian ấy làm gì. Sau tai nạn lao động ấy mà vẫn giữ nguyên vẹn được bàn tay, tôi đã hiểu đâu là con đường tôi sẽ chọn”, chị tâm sự.
Chị còn kể thêm một chuyến đi khác trong đời sinh viên mà mỗi lần nhắc lại đều lắc đầu le lưỡi. “Đó là chuyến đi thực tế ở Lào Cai. Sau những ngày lê lết các nẻo đường ở Bắc Hà, tôi và vài người bạn tự thưởng một chuyến du ngoạn lên Sapa, cũng là để quan sát thêm về những màu sắc đa dạng khác nhau giữa các dân tộc. Hôm ấy, tôi và người bạn đi cùng nghe lời dụ dỗ của một bà người Dao bán hàng ở chợ, rằng đến nhà bà ấy chơi, có rất nhiều vải đẹp, tha hồ lựa chọn mà mua. Đã nhiều ngày đi bộ mòn mỏi, nên tôi cũng cẩn thận hỏi trước là gần không, bà ấy bảo là gần lắm. Thế là đi. Sau khi đi xe ôm đến điểm hẹn, cách Sapa 20km, leo tiếp qua ba quả núi trong cái lạnh buốt xương vẫn chưa đến được nhà. Lạnh, tiến thoái lưỡng nan, mỏi mệt chịu hết nổi... Đến khi lên đến nơi rồi, tôi và bạn tôi không muốn về nữa khi tưởng tượng lại phải leo lại qua ba quả núi. Lúc đó ước gì bỏ mình vào bao, thả cho lăn lông lốc xuống...”. Mỗi khi nhớ lại những chuyến đi trong đời, chuyến đi Nhật hay đi leo núi, chị Kim Hoàng đều cảm thấy có chút tự hào về bản thân mình đã “dũng cảm” vượt qua mọi khó khăn. “Điều đó giúp tôi nghĩ rằng, trong cuộc sống và công việc cho dù có biết bao trắc trở nữa, tôi đều có đủ bản lĩnh để vượt qua”, chị Hoàng tự tin. Vũ Thị Kim Oanh hiện là chuyên viên phòng quảng cáo báo Thanh Niên: “Mỗi chuyến đi là một trải nghiệm cho cuộc sống” Khỏi phải nói cũng có thể hiểu được cái cảm giác rạo rực, háo hức choáng ngợp trái tim tôi khi lần đầu tiên được ra nước ngoài như thế nào. Đó không chỉ là cảm giác thích thú khi được khám phá những giá trị tinh thần về văn hóa, đất nước, con người của một đất nước xa lạ, mà còn là cảm xúc thật bình yên, thanh thản khi bỏ lại phía sau lưng những bộn bề lo toan của cuộc sống thường nhật, là cảm giác thật hạnh phúc khi được chia sẻ niềm vui với người thân của mình. Đến bây giờ trong tôi vẫn nguyên vẹn cái cảm xúc đầy mới lạ của ngày đầu tiên khi bước chân xuống sân bay Sepang ở Malaysia. Đó là hình ảnh từng hàng người nối đuôi nhau rồng rắn chờ làm thủ tục nhập cảnh. Là những dãy phố dài hun hút. Là những trung tâm thương mại cao chọc trời tấp nập người mua bán. Là ngôi thánh đường Hồi giáo cổ kính, uy nghi với lối kiến trúc thật độc đáo. Là những người phụ nữ đạo Hồi mặc quần áo trùm kín đầu lướt nhanh trên phố. Con gái tôi ngạc nhiên hỏi mẹ: “Sao mấy người này họ trùm kín mít vậy mẹ, họ không bị nóng à?”. Tôi cười, tìm mãi không ra cách giải thích nào thật dễ hiểu cho cô con gái chưa đầy 5 tuổi. Chỉ biết nói với con theo chiều hướng khôi hài là vì họ sợ đen nên mới che kín người như thế. Cái gì cũng lạ, cũng mới nên việc giải thích cho con hiểu hết những điều mà bản thân mình cũng chưa biết rõ quả là một việc thật khó khăn. Tôi nhớ mãi kỷ niệm đi ăn buffet tại nhà hàng ngay chỗ khách sạn chúng tôi ở. Con tôi không chịu ăn bất cứ thứ gì mặc dù ba mẹ ra sức năn nỉ. Sợ con đói, chúng tôi đành lôi mì gói mang theo từ nhà sang. Gọi anh phục vụ để xin một ít nước sôi. Những tưởng anh ta vui vẻ phục vụ. Ngờ đâu khi vừa nhìn thấy gói mì xào thịt heo trên bàn của chúng tôi. Ngay lập tức sắc đỏ hiện dần lên khuôn mặt khá hiền lành và điển trai. Anh nhẹ nhàng từ chối và yêu cầu chúng tôi không được sử dụng món ăn này tại nhà hàng. Trời ạ, ngốc ơi là ngốc! Làm sao có thể lôi ngay một món ăn có liên quan đến thịt heo bày ngay trước mặt của người đạo Hồi? Làm thế không khác nào tự mình gõ nhịp vào góc khuất tối kỵ về tôn giáo của người khác. Vậy là đám chúng tôi đành lặng lẽ ngồi ăn trong sự giám sát khắt khe của mấy nhân viên phục vụ. Họ lượn lờ quanh chúng tôi để canh chừng và tất nhiên không gian dường như bị đông đặc và cái cảm giác ngộp thở lặng lẽ truyền sang từng người một. Tôi còn nhớ cái cảm giác se lạnh, chông chênh khi ngồi gần 25 phút trên cáp treo để lên Cao nguyên Genting - một thành phố ngập chìm trong mây với độ cao 1.700m so với mực nước biển. Phía dưới là bạt ngàn một màu xanh của cây rừng. Con gái tôi dõi mắt tìm kiếm và thích thú khi phát hiện vài chú cọp, khỉ, beo bằng đá được dựng ở vách núi. Khu trò chơi phức hợp Theme Park thật tấp nập và đông đúc, bọn trẻ con tha hồ được chơi nhiều trò chơi yêu thích với chỉ một lần mua vé. Chúng tôi tay trong tay, hạnh phúc ngắm nhìn con đang say sưa với trò đu quay cưỡi ngựa gỗ. Cảm giác thật bình yên quá đỗi. Có một kỷ niệm mà mỗi lần nghĩ tới chúng tôi không khỏi bật cười thích thú. Đó là khi đoàn chúng tôi chuyển sang những ngày du lịch cuối cùng tại đất nước Singapore xinh đẹp. Khi cô hướng dẫn viên luôn nhắc nhở việc giữ gìn vệ sinh và không được xả rác tại đất nước rất sạch và đẹp này. Con gái tôi tỏ ra hết sức căng thẳng về khoản tiền phạt cho “tội danh” xả rác nơi công cộng mà mọi người vẫn thường đưa ra để chọc nhau. Vì thế cho dù chúng tôi đang trong cảm giác lâng lâng khi khám phá vẻ đẹp của đảo Sentosa, hay đang tận hưởng cảm giác thú vị khi xem phim “4D magic”, hay ngồi lọt thỏm giữa một khối người đồ sộ nóng bức để xem biểu diễn nhạc nước (Musical Fountain)... thì con gái tôi luôn là người lặng lẽ quan sát, nhắc nhở mỗi khi ai đó trong chúng tôi vô tình làm rơi rác. Chỉnh trang là thế, nghiêm túc là thế vậy mà cô nàng lại có thể thản nhiên tè dầm lên cả hai chiếc giường nệm dày cộm trong khách sạn không một chút đắn đo. Sáng ra, khi phát hiện ra lỗi vi phạm “nghiêm trọng” đó. Cô nàng sợ phát khiếp, mơ hồ nghĩ đến khoản tiền phạt khổng lồ mà ba mẹ phải trả. Bệnh tè dầm vào ban đêm tự nhiên bị biến mất hẳn sau chuyến đi chơi xa đó. Còn nhiều lắm những kỷ niệm mà không thể kể ra hết được. Tôi yêu và nhớ tất cả những gì mình đã đi qua, đã trải nghiệm. Có những kỷ niệm thật êm đềm, có những kỷ niệm lấp lánh với chuỗi cảm xúc tinh khôi thật kỳ lạ. Cho dù thế nào, tôi vẫn ước mong sao mình sẽ được đi nhiều hơn, được biết nhiều hơn và để nhớ nhiều hơn về những gì mình đã có. Trầm Thị Bạch Loan - Tổng đài viên: "Chuyến đi như một kỷ niệm ngọt ngào khó phai mờ trong kí ức"
Trong đời người ai cũng có những kỷ niệm sâu sắc khó phai. Riêng tôi, cho dù đã 17 năm trôi qua rồi, tôi vẫn không thể nào quên được kỷ niệm về một chuyến đi dã ngoại ở Vũng Tàu, nó đã làm cho cuộc sống của tôi thay đổi. Ngày ấy... Tôi và anh làm chung ở Xí nghiệp May Q.11. Cứ mỗi lần tan ca về, anh lẳng lặng đạp xe theo sau tôi. Ngày qua ngày, tôi cảm nhận được có cái đuôi bám theo mình. Làm chung ở xí nghiệp, ra vô gặp mặt hàng ngày, anh có những lời hỏi han, quan tâm những lúc tôi bị bệnh với thái độ ân cần đôi lúc cũng làm tôi rung động lắm. Vào ngày lễ 2/9/1990, xí nghiệp nghỉ lễ đến 3 ngày nên Đoàn Thanh niên tổ chức cho đoàn viên thanh niên đi dã ngoại ở Vũng Tàu 2 ngày, vừa giao lưu vừa kết nạp đoàn viên mới. Ngày hôm trước, khi tan ca về, anh lật đật lấy xe đạp chạy theo tôi và hỏi: “Ngày mai em có đi Vũng Tàu không?”. Mặc dù có tên trong danh sách đi nhưng tôi trả lời với anh là không. Anh hỏi lại lần nữa: “Em là đoàn viên mà không đi à? Thôi em đi đi, anh cũng đi nữa!”. Mặc cho anh năn nỉ nhưng tôi vẫn cương quyết trả lời không đi. Tối hôm đó, tôi chuẩn bị đồ đạc, trong lòng cũng hơi băn khoăn một chút vì đã nói dối với anh. Năm giờ sáng hôm sau, tôi có mặt ở xí nghiệp để tham gia chuyến dã ngoại đầu tiên với Đoàn Thanh niên. Như lời anh nói: “Em không đi thì anh cũng ở nhà”. Tôi cố ý nhìn quanh xem có anh hay không? Một nỗi buồn thoáng qua trong suy nghĩ làm tôi hối hận vì anh đã tin lời nói dối của mình. Thế rồi, cuộc hành trình cũng bắt đầu. Tiếng vỗ tay, reo hò và hát tập thể thật vui cũng không thể nào lấn át được nỗi băn khoăn trong lòng. Tôi cảm thấy có lỗi với anh nên đi chơi mà không thoải mái lắm. Đến 4 giờ chiều. Sau khi tắm biển lên, tôi đang tắm lại nước ngọt thì nghe tiếng chị kế toán trưởng hỏi vọng ngoài cửa: “Ủa T. ra hồi nào vậy? Ra bằng xe gì? Gặp Loan chưa? Hình như Loan đang tắm biển đó. Thế là anh chạy nhào ra biển dáo dác tìm tôi, còn tôi thì đứng run bần bật vì lạnh và hồi hộp. Sau này tôi nghe kể lại tìm hoài không thấy tôi nên anh không tắm biển mà lên thay đồ và tiếp tục đi tìm. Khi gặp anh, tôi vừa mừng vừa xấu hổ không dám đối diện với anh. Thế mà anh cũng không giận tôi nữa, chỉ nhìn tôi cười hiền hòa làm tôi áy náy vô cùng. Bỗng một tiếng kẻng lớn thông báo đến giờ ăn cơm, tôi cùng các chị trong phòng xuống cầu thang để qua nhà hàng bên kia đường, anh cũng đi vội theo đoàn và len vào đám đông gần chỗ tôi. Lần đầu tiên tôi thấy anh mạnh dạn đứng chặn trước mặt tôi và đề nghị: “Chiều nay em đi ăn cơm với anh đi”. Tôi bối rối nhìn anh và nhìn sang các chị bạn đồng nghiệp. Như hiểu được điều khó xử của tôi, chị bạn đi cùng buột miệng nói: “Thôi Loan đi với anh T. đi! Anh đã ra đến đây rồi mà!”. Tôi nói thêm: “Hôm nay Loan ăn cơm chay”. “Thì anh sẽ ăn cơm chay với em”. Anh tiếp lời tôi. Như thế làm sao tôi từ chối được nên xin phép rời đoàn đi ăn riêng. Rồi anh chở tôi đi lòng vòng và hỏi thăm mới tìm được quán cơm chay duy nhất ở Vũng Tàu. Ăn cơm xong, anh chở tôi đến thăm người bạn thời trung học đang làm việc ở Vũng Tàu. Thế là cả nhóm kéo nhau đi uống cà phê luôn. Tôi lại lo lắng và hổ thẹn với anh Bí thư Đoàn vì bỏ sinh hoạt lửa trại buổi tối. Đến 10 giờ tối, tôi và anh vừa về đến là gặp ngay anh Bí thư đứng trong sân nhà nghỉ nhìn tôi nghiêm nghị. Anh cũng hiểu và quý tôi lắm (vì tôi là đoàn viên tiên tiến mà!) nên chỉ la có lệ thôi. Sáng hôm sau, vừa làm lễ kết nạp đoàn viên mới xong thì trời mưa tầm tã. Anh đến năn nỉ tôi về chung xe honda với anh cho đỡ buồn, tôi ái ngại nhìn ra ngoài bầu trời xám xịt, mưa như trút nước. Như hiểu được sự lo âu của tôi, anh vội chạy đi mua áo mưa. Nhìn dáng vẻ trông tội nghiệp của anh, tôi không nỡ nào từ chối. Đây là lần đầu tiên tôi ngồi trên xe của anh, tôi run lắm! Thêm cái lạnh và gió của trời mưa nên tôi run cầm cập. Anh cũng vậy, tôi cảm nhận vừa chạy xe anh vừa run. Mưa lớn quá! Cả một đoạn đường dài nước ngập trắng xóa, không xác định được đâu là đường đi, đâu là ruộng, xe 67 (sau này tôi nghe anh nói mượn của anh Hai) cứ thẳng hướng mà chạy, không tránh được ổ gà nên xe xốc lên dằn xuống làm tôi mệt nhoài. Anh cứ luôn miệng an ủi tôi cố gắng lên, gần về đến nơi rồi. Anh nói vậy chứ tôi biết đường còn xa lắm. Cái áo mưa không đủ để che cho hai người khỏi ướt nên về đến xí nghiệp là chúng tôi ướt và lạnh run. Anh đưa tôi về nhà và dặn dò nhớ mặc áo ấm kẻo cảm lạnh. Thái độ ân cần của anh làm tôi ấm lòng quá! Tôi mới thấy hạnh phúc khi được yêu! Và bây giờ... tôi có một tổ ấm riêng, một cậu con trai học giỏi, thông minh, đàn piano và hát rất hay. Chúng tôi sống hạnh phúc với nhau và xem chuyến đi ấy như một kỷ niệm ngọt ngào khó phai mờ trong ký ức. SSM
|
1 comment:
Thương chị...
Post a Comment