Hì, biết làm sao. Khi tư duy mình bị rối loạn lên hết vì những vụn vặt không đáng có. Thôi thì, viết lăng nhăng trên blog thì có vẻ dễ dàng hơn...
Nói thế nào nhỉ? Một sự kiện lớn thì làm gì mà không có chuyện hậu trường phía sau. Nhưng... Ặc, bức xúc đã trào ra trong những cuộc trà dư tửu hậu mất rồi. Bạn bè đã nói rất hăng... nhưng đến ngày hội thảo thì im lặng. Người không chơi, nhưng cũng bức xúc, bảo hôm đó tao cũng sẽ đến chất vấn các vị..., nhưng rồi rốt cuộc cũng mất tăm ( chẳng biết vì quên mất khi say mình nói gì, hay là vì hiểu lầm cá nhân không đáng có đã xảy ra nữa... ). Một cuộc cách mạng được hứa hẹn trong bia bọt cũng tan biến như bọt bia ( cũng được dặn nhau giữ kín để bất ngờ... ), nên chẳng có chấn động gì đáng kể.
Còn lại mình tôi, bức xúc thì đã bộc lộ ngay lập tức, và cũng bị khá nhiều người ghét, nên trong các cuộc trà dư... thì chỉ im lặng cười cười, không hứa hẹn gì sẽ đứng lên chất vấn. Thì, đến ngày hội thảo, cũng nêu lên 3 vấn đề yêu cầu các vị trả lời, ít ra cũng được công khai trước rất nhiều người nữa. ( chứ trong các cuộc nhậu thì cùng nhau chửi thôi, giải quyết được cái khỉ gì cơ chứ )
1/ Vấn đề tưởng nhỏ nhưng không nhỏ, thuộc về khâu tổ chức.
Chẳng biết, sau này, festival lần 2 do nơi nào đăng cai, nếu là Hà Nội và Huế thì họ có mang vào TP. HCM tổ chức không, nhỉ? Lần này thì do Hội Mỹ Thuật TP. HCM tổ chức, nhưng lại diễn ra ở Hà Nội. Tại sao vậy nhỉ? Ở Hà Nội đâu có thiếu những cuộc chơi nghệ thuật, hầu như mỗi tuần đều có. Nghệ thuật Hà Nội cũng đã được nhận quá nhiều ưu ái rồi, đã nhận quá nhiều sự quan tâm rồi, thì, sự kiện lớn này, sao không tổ chức ở Tp. HCM, để thu hút sự quan tâm vẫn còn quá hời hợt của các tổ chức văn hóa, của dư luận, nhất là khi sự kiện SG Open City đã sụp để lại một lỗ hổng sự kiện kha khá.
Vậy đó, Hội Mỹ Thuật TP. HCM tổ chức nhưng mang chơi ở sân người, nên vô hình chung, các nghệ sĩ Sài Gòn trở nên bơ vơ trên sân khách. Sự kiện 2 cây thang dành cho 56 người trở thành một bực bội, lo lắng không nhỏ và gây khoảng cách giữa các nghệ sĩ. Không có thời gian để giao lưu hay thân thiện. Đến ngày về, vẫn không biết được quá 10 người của Huế và Hà Nội. Mạnh ai nấy sắp, xong rồi mạnh ai nấy bỏ đi, biến mất. Nghe nói rằng có tình nguyện viên* đánh và in ý tưởng giùm cho anh em, vậy mà, đến buổi chiều ngày cuối, các nghệ sĩ vẫn tự chạy đi tìm nơi đánh máy, in ấn ( Hà Nội nhỏ xíu, nhưng tự mình tìm ra được cũng hơi khó, để rồi, sau đó, tất cả các bản thuyết minh ý tưởng đều bị cấm dán lên bên cạnh tác phẩm ). Ngay cả chuyện curator cũng vậy. Người đi cùng với anh em trong 2 lần sơ tuyển không phải là curator lần cuối cùng. TP. HCM đâu phải là không có người sâu sát về hoạt động nghệ thuật và hiểu tâm lý anh em, vậy mà, curator lần này lại là một người sống ở Hà Nội, hoàn toàn không có sự giao lưu trực tiếp với anh em nghệ sĩ, và khi hội đồng kiểm duyệt xét, tôi tình cờ nghe được curator nói sơ sài và thậm chí cũng nhún vai trước 1 vài tác phẩm của nghệ sĩ Sài Gòn và nói khá sâu về tác phẩm của nghệ sị Hà Nội. Cũng thông cảm vì anh không có nhiều thời gian và cũng bực mình vì sự thay đổi ý tưởng của nghệ sĩ. Nhưng đa số, nghệ sĩ Sài Gòn không có cảm giác curator là người đại diện nghệ sĩ, bênh vực và sử dụng lý lẽ để bảo vệ tác phẩm như là lẽ đương nhiên, mà cảm thấy curator cũng đứng về phía hội đồng kiểm duyệt. Hổng biết sau này Huế hay Hà Nội đăng cai tổ chức sự kiện lớn này, họ có mời curator sống ở Sài Gòn làm người giám tuyển chính không ta?
Rồi mặt bằng trưng bày cũng bị cắt ra lụn vụn. Tội nghiệp chị Ly Hoàng Ly cũng tỏ ý tiếc vì mãi trực chỉ bên ngoài viện art center mà không xem được trình diễn ở bên trong. Nhưng cái này thì đành chịu vậy.
2/ Những đề tài nhạy cảm bị cắt bỏ.
Một điều rất là tiếc, vì những bực bội bức xúc đó nên đã không đi chụp đủ hết các tác phẩm. Ba tác phẩm bị loại bỏ thì có một dính dáng đến chính trị, một nhạy cảm ( đề tài đồng tính ), và một của tác giả Huế ( ko hiểu nguyên do ). Và 10 tác phẩm phải bỏ bớt một số chi tiết. Tôi không có nhiều bức xúc cho riêng mình, bởi lẽ, tôi đã tránh tối đa những va chạm tư tưởng ( vốn đã xin giấy phép cho hơn 6 cuộc triển lãm, tôi biết đâu là chuyện cần tránh mà, dù cũng hơi buồn cười, khi tôi viết ngắn gọn cho 1 định nghĩa về loại hình múa Butoh, các vị lại tưởng tôi xoáy vào vấn đề so sánh sự khác nhau giữa các nền văn hoá nên bắt tôi bỏ. Ặc, lạ thật, định nghĩa đó của người Nhật chứ phải là của tôi đâu. Mà tôi cũng đâu có xoáy vào điệu múa của người Nhật đâu. Tôi chỉ qua đó mà nói lên vấn đề bên trong mỗi con người thôi mà. Nhưng, để tránh rắc rối, tôi đành phải dài dòng kèm theo hẳn một khái niệm ( nhờ anh Huy béo viết giùm ) dù hơi lo là sẽ bị lạc đế mất. ).
Ừ, tôi không gặp rắc rối gì ( chỉ bị bắt phải tháo bỏ những mẩu giấy ghi cảm tưởng của người xem tại TP. HCM đã dán lên tác phẩm của tôi trước đó ), nhưng cũng cảm thấy ngơ ngác trước những quyết định kiểm duyệt cắt bỏ. Có lẽ, lúc sơ tuyển trong TP. HCM, chúng tôi được cổ vũ là cứ thoải mái mà chơi, sẽ không có kiểm duyệt trong loại hình nghệ thuật mới này ( mà nếu bắt nộp hồ sơ trình báy tác phẩm hay đủ thứ thủ tục nhiêu khê khác chắc chẳng mấy người tham gia ), nên ra đây, chúng tôi cảm thấy ngột ngạt trước những ánh mắt khe khắc về nội dung chăng?
Chẳng hạn, tác phẩm kết hợp Installation + performance " Sống chật " của Phạm Ngọc Viễn Thành ( TP. HCM ), rốt cuộc bị cắt phần performance ( tác giả ngồi trên cái bồn cầu toilet ăn uống, đánh răng, đọc sách, sinh hoạt trong cái lồng kính chật hẹp, mà tác giả rất to con nhé, loay hoay không khéo là kẹt luôn trong lồng kính ), trở thành 1 sắp đặt chỉ còn cái toilet và một cái lồng chim nửa vời làm sao! Mà, nhờ tác phẩm này. Phạm Ngọc Viễn Thành được nhận bằng khen trong tổng kết hoạt động cuối năm ở Hội Mỹ Thuật TP. HCM đấy nhé ( 2 năm anh chàng ra trường lo mải mê làm ăn nên đâu có tham gia hoạt động Mỹ Thuật nào đâu. Bằng khen được trao tặng không phải vì tác phẩm xuất sắc sao? )
Lý do? Nghe đâu là nhạy cảm, ý nói ngột ngạt trong xã hội này sao?
Ặc, tác giả thiệt tình chỉ nói đến cuộc sống chen chúc chật hẹp trong đô thị mà thôi. báo chí chửi đầy. Truyện ngắn, phim ảnh cũng đầy ra đấy. Sao các vị nhạy cảm thế.
Tác phẩm "Ngoài kia là ánh mặt trời" của Lê Huy Cửu thì tôi không dám bình luận sâu. Vì, có vẻ như, nghe nói, nó liên quan đến chính trị. Tác giả bị shock nhiều nên tôi cũng không dám hỏi rằng có thiệt vậy không. Tôi chỉ hơi giật mình, vì thiệt tình, tôi thấy mình là người rất "ngây thơ chính trị". Mà, tác phẩm nghệ thuật hay ở chỗ, anh suy nghĩ theo hướng nào cũng ra được. ( Hì, ngay như tác phẩm "Tôi nhìn thấy" của tôi, thật tình tôi chỉ nghĩ đến chuyện góc khuất cá nhân của con người, vậy mà, có một tay nổi tiếng phản động ở nước ngoài về, xem, và rất tâm đắc... Viết cho một bài cảm tưởng dài thoòng mà nếu các vị trong ban tư tưởng đọc thấy, chắc cắt xoẹt tác phẩm tôi ngay) . Tôi chỉ muốn nói về góc độ tâm lý. Đây là một festival trẻ đầu tiên. Dù, ai đó cố moi móc rằng trẻ là trẻ làm sao, nhưng đa phần đều là tác giả trẻ ( những người trên 40 chiếm vài người thôi ). Tác giả Lê Huy Cửu cũng còn trẻ. Tôi không biết sau sự kiện bị dẹp bỏ tác phẩm của mình sau mấy ngày hì hụi trưng bày, anh có còn hứng thú với những hoạt động như thế này nữa không. Sự tổn thương tinh thần, không có lời giải thích, không có một động thái nào từ hội đồng để bày tỏ sự tôn trọng. Chỉ biết cắt là cắt, khi mà nghệ sĩ, khi cầm trên tay thư mời của hội Mỹ Thuật, khi có mặt ở Hà Nội, là nghĩ, tác phẩm của mình đương nhiên ra mắt người xem.
Bức tranh khắc trong 3 bức của Lý Trần quỳnh Giang ( Những cành mệt mỏi ) bị kiểm duyệt loại bỏ thì là đưa ra vấn đề nhạy cảm xã hội, không mới với điện ảnh, báo chí, và văn học, nhưng là đề tài còn chưa khai thác sâu trong Mỹ Thuật : ĐỒNG TÍNH. Mà có là đồng tính không, thì bản thân tác giả không hề nói đó nhé, là do tự mọi người nghĩ ra thôi. Bức tranh khắc hình 2 cô gái giống nhau từ hình thể đến mái tóc dài, và có một cảm giác rất phiêu. Nếu tôi gọi đấy là thủ dâm, thì có được không? Được quá đi chớ! Một cô gái tự đối diện với chính những khao khát yêu thương của bản thân mình ( tôi tự đặt tên cho bức tranh đó là "SOI" ). Sao không nghĩ như thế? Mà thủ dâm thì có sao không? Ôi, mấy chuyện này có mới mẻ gì đâu, báo chí, sách vở viết đầy ra đó. Được hay không là chuyện của mỗi cá nhân con người. Xét về chuyên môn thì tác phẩm quá được. Tự dưng, bị cắt xoẹt bức tranh 2 cô gái đi, thì " Những cành mệt mỏi " tự dưng hẫng về ý nghĩa... Bố cục cụm tranh trở nên lạc lõng.
Sau kiểm duyệt
Trước
Trong buổi hội thảo công khai có báo chí, tôi đã đứng lên đặt câu hỏi với hội đồng kiểm duyệt vấn đề này. Rằng, tại sao, điện ảnh làm phim đồng tính thì được. Tiểu thuyết thì cũng đã có thế giới không có đàn ông, không có đàn bà ... cũng trình làng hết rồi, mà tác phẩm Mỹ Thuật mới khẽ chạm vào chuyện này thôi đã bị cắt xoẹt? Mà Mỹ Thuật lẽ ra rất tích cực và khách quan hơn nhé. Tác giả chỉ đưa ra vấn đề qua tác phẩm thôi. Người xem nghĩ thế nào, xem thế nào, chấp nhận hay không là tuỳ ở người xem, chứ đâu có áp đặt suy nghĩ của mình lên đâu? Đâu có như phim ảnh hay tiểu thuyết, nếu đạo diễn và nhà văn áp đặt sự chủ quan không khéo hay quá mạnh thì sẽ thành phản cảm?
Nhưng, câu trả lời của Vụ trưởng Vụ Mỹ Thuật Vi Kiến Thành làm tôi thất vọng. " Đồng giới là vi phạm thuần phong mỹ tục ". Ơơ... tôi đã dẫn chứng về điện ảnh và văn học rồi mà? Chẳng lẽ, mấy ông đạo diễn và nhà văn thì không có trách nhiệm về thuần phong mỹ tục sao? ( Nếu các tổ chức bảo vệ người đồng giới quốc tế mà biết, chắc hẳn ông Vụ trưởng đã bị kiện ra tòa vì đã xúc phạm nhân phẩm những người trong thế giới thứ 3 nhỉ? ). May mà sau đó nhà phê bình Bùi Như Hương đứng lên xoáy lại ( vì mỗi người chỉ được phát biểu một lần )," Đầu óc của các vị rõ có vấn đề, báo chí cứ viết rùm beng về những chuyện đồng tính thì cũng có sao? "
Tôi không đủ bản lĩnh để bảo đầu óc các vị có vấn đề, tôi chỉ nghĩ, nếu cứ mãi áp đặt những suy nghĩ cổ hủ, bảo thủ, nhìn đâu cũng thấy là nhạy cảm thì đến bao giờ ở Việt Nam nền Mỹ Thuật đương đại mới thực sự có được sự ngang hàng với các nước khác? Rõ ràng, về tư duy, ý tưởng hay sự điên rồ, nghệ sĩ Việt Nam không hề thua kém, nhưng cứ mãi vấp váp bởi những giới hạn vô hình của những trì trệ tư tưởng, thì ai cũng nản, và co cụm lại trong những hoạt động cá nhân, là điều không tránh khỏi.
3/ Chuyện những mảnh giấy thuyết minh ý tưởng bị bóc trước giờ triển lãm.
Chuyện này có vẻ là buồn cười nhất.
Hội đồng kiểm duyệt có vẻ cũng còn ngơ ngác trước cái quá mới của nghệ thuật trẻ, nên mới bắt các tác giả phải nộp bản thuyết minh ý tưởng. Trước giờ G ( giờ kiểm duyệt ), các tác giả phải chạy tìm tùm lum chỗ để viết, để in ( có mấy người đâu định viết ra đâu )... Đến phút chót có lệnh, gỡ hết tất cả các bản thuyết minh ý tưởng xuống, "em thông cảm, nếu không, triển lãm sẽ bị stop lại", giải thích của anh nhân viên khi bị tác giả phản đối ( trước giờ khai mạc 2 tiếng ).
Haiz, trước khi ra Hà Nội, tôi được dặn dò kỹ nên in khoảng 100 tờ mang theo để khán giả ai quan tâm thì lấy. Thực tình, với tôi, nghệ thuật cũng là một ngôn ngữ, nên không cần thiết phải vay mượn từ ngữ để diễn giải dài dòng về nó. Nhưng thiết nghĩ, loại hình này vẫn còn khá ngỡ ngàng với người xem ở Việt nam, thì, cũng nên có những giới thiệu, những khơi gợi, những bày tỏ của tác giả về nó. Hơn là sự im lặng thách đố. Các vị trong hội đồng có hẳn một tầm nhìn sâu, kiến thức rộng, mà còn không muốn bị đánh đố, đòi tác giả phải viết về tác phẩm mình. Vậy mà, đến phút cuối, vì vài hạt sạn trong vài bài viết nào đó, loại bỏ không thương tiếc bài viết của số đông anh em còn lại.
Trời ạ, đã cất công mang ra đến Hà Nội rồi, chằng lẽ, để tác phẩm mình chìm trong sự mơ hồ quên lãng sao? Thế là đành phải đứng phát ( thật ra, cũng có len lén dán phía sau 2 bản, ai chịu khó đi vòng ra sau, ngắm nhìn thật kỹ thì cũng thấy. Anh nhân viên chỉ nhìn phía trước thôi, nên bỏ sót, tôi cũng láu cá thật, chứ? heheh ), như phát tờ rơi ngoài đường. Ặc, không cho sử dụng tài sản nhà nước là không dán lên vách và để trong hộp đựng bản thuyết minh ý tưởng để bân cạnh tác phẩm, thì tôi đứng phát, đâu cấm được ( dù hơi mắc cỡ thật đấy ) Thế là, bỏ qua cơ hội chụp ảnh, tường thuật lễ khai mạc một sự kiện trọng đại để viết bài đang báo như đã hứa.
Vụ trưởng trả lời : Vì có một số người làm một đằng mà đi viết một nẻo ( hội trường cười rần...).
Ặc, chắc cũng nhiều người biết là rất nhiều họa sĩ trở thành nhà văn, nhà thơ, người viết... khá thành công và nổi tiếng như : Nguyễn Như Huy, Nguyễn Ngọc Thuần, Nguyễn Thị Châu Giang, Ly Hoàng Ly, Nguyễn Thúy Hằng ... Thì các anh em nghệ sĩ còn lại, dù hổng dấn thân vào mảng viết, cũng đâu đến nỗi quá tệ trong việc thuyết minh tác phẩm của chính mình? Hổng cho viết thì anh em nói. À, cái khoảng nói thì nói về tác phẩm không hay bằng viết rồi, vì viết súc tích và cô đọng hơn, nhưng sẵn trớn nói thì mới nguy hiểm và không giới hạn đâu nhé. Nói rồi thành chửi um sùm đấy.
Cũng may, 2 ngày cuối cùng tôi kệ, dán luôn bên cạnh tác phẩm ( vì phát thì hết veo, mấy người đến xem sau đâu biết ). Nhờ vậy nhận được thêm mấy email gửi lời đồng cảm, chia sẻ ý tưởng.
Đó là 3 vấn đề tôi chất vấn trong buổi hội thảo, nhưng rốt cuộc thì, chẳng biết các vị có nhớ không. Chẳng biết có để lại dư âm gì không. Nhưng kệ, quan trọng là mình đã nói, trước khi quyết định không thèm nói nữa ( vì nói mãi vẫn thế ). Chỉ tiếc là thằng bạn có một câu nói rất hay định sẽ đem ra chất vấn trong buổi hội thảo nhưng rốt cuộc nó im re, là : Chúng tôi là những người kế thừa của các vị, nhưng, sao các vị không tạo điều kiện, mà toàn là làm tổn thương và làm khó chúng tôi không? Làm sao chúng tôi có hưng phấn để làm? Chúng tôi chán nản bỏ cuộc, thì, ai sẽ là người kế thừa đây? Mấy người chẳng dính dáng gì đến nghệ thuật ư? Hay là nghệ thuật sẽ chết yểu? ( xin lỗi ông nghe, ông nói rất hay và hùng hồn trong cuộc nhậu, nhưng làm sao tôi nhớ chi tiết, nên đại khái ý thôi )
-----------------
* Nhưng hình như không có tình nguyện viên vẫn tốt hơn, vì, đến ngày dọn dẹp tác phẩm, khi một anh trong ban tổ chức hùng hồn tuyên bố, anh sẽ bàn giao lại tác phẩm lại cho em không thiếu 1 sợi dây nào ( Ôi, chuyện dây nhợ này là một đống bực mình lớn khiến tôi không kiềm được sự lớn tiếng khi nghe anh thủ kho bảo rằng dây không là tác phẩm khi lạc mất đống dây thừng tôi chuẩn bị hơn nửa năm trước ), thì, một anh tình nguyện viên giơ kéo lên, cắt một cái xoạch mà không ý thức rằng khi rơi xuống, tấm tranh in mika 1m4x2m2 của tôi khi rớt từ độ cao 3m xuống thì không vỡ nát được như kính thì cũng gãy ngay. Tốc độ cắt nhanh hơn tiếng la lên của tôi, nên rốt cuộc, tấm tranh í bây giờ thành như thế này đây.
treo trên cao với chỉ 2 sợ dây, vì bên dưới có bức vách đỡ...
Và một nhát kéo, rầm... như thế này đây. Không một lời xin lỗi.
Và tình nguyện viên giải thích nghe hết sức là vô trách nhiệm, tưởng là còn sợi dây phía dưới ( trong khi anh ta giơ kéo lên thì đó là sợi dây cuối cùng ). Mà phải chi là người ngoài, là một anh chàng nào đó diễn 1 màn perfomance hú hét giả làm người điên trong buổi tối hôm trước ở nhà sàn Anh Đức... Hình như anh ta nghĩ, sau triển lãm, là tất cả vứt đi hay sao ấy. Hic... Thà BTC bảo rằng tôi tự chịu trách nhiệm thu dọn, còn dễ chịu hơn là, nhận thay nghệ sĩ, rồi mặc kệ hư hỏng ra sao. Nhưng sau buổi hội thảo, tôi hết sức để lên tiếng nữa rồi, nên dù tức lắm, cũng im lặng bỏ đi. Máng vốn lại curator, thì được vuốt ve rằng, đó là tiếp diễn của nghệ thuật, ặc, hết nói. Người cắt xoẹt sợi dây lính là của anh ta mà.
Một hạt sạn :
Bận bịu quá nên chẳng kịp xem kỹ, chẳng qua, cái này đập vào mắt mình nên không thể không chụp.
Chẳng biết cùa tác giả nào, nhưng ngay ngày đầu tiên, thấy quất một đống sình ra sàn nhà thế này đã khó chịu rồi. Curator rất chịu khó săm soi những sợi dây trên trần nhà sợ làm rớt đèn ( nhẹ hều ), nhưng lại không bắt tác giả này trải nilon ra sàn nhà để giữ vệ sinh và dễ dọn dẹp về sau. Thật là tội nghiệp cho mấy người lau nhà. Trải tấm nilon có tốn kém hay cản trở về mặt nghệ thuật gì đâu. Khéo che thì đâu có nhìn thấy.
Rồi chuyện trát sình lên tấm vách mà chẳng có một bất kỳ cây đinh hay sợi kẽm nào giữ đất lại. Để mới 2 ngày đã đổ cái ào như thế này đây. Hay tác giả nghĩ là khai mạc xong thì xong hết?
7 comments:
Đọc thấy bức xúc quá! Ko ngờ các anh chị gặp những chuyện đáng buồn như vậy! VN mình bao giờ mới hiện đại hơn hả trời!?
chua doc, toi doc, dang busy rùi, hehe :-)
Mấy bạn nghệ sĩ Hà Nội có thấy tui phân bì chút chút cũng đừng giận nghe. Hội chứng tủi thân ấy mà. Mới có thằng em bỏ Sài Gòn ra Hà Nội để được làm nghệ sĩ ( Nghệ sĩ Hà Nội được quan tâm, được ưu ái nhiều hơn SG thiệt mà )nữa đó.
That la chan ngan! Chac qua Singapore lam nghe sy qua! Cung la HN, thu do cua VN ma sao thay minh bi chen ep qua! Phan biet va bao thu qua!
Tuc qua la tuc!
cái này nói thiệt, c tham gia nhiều một chút, quan sát rồi về viết bài nói hộ mọi người. vậy là nhât.
bài này của chị nhiều ví dụ hơn thì đọc đã hơn. viết típ fần II nói chuỵện hậu trường đi. hhehhê.
bớt ngủ lại viết bài đi bà chủ hehehe.
Bai chi viet lam nguyen phai suy nghi nhieu qua.
Thanks vi da viet nhung dong nay.
Cảm ơn em vì đã nói ra cảm nhận của mình. :)
Post a Comment