Hi,

"I'm standing alone in the darkness.The winter of my life came so fast. Sun shine in my eyes I'm still there everywhere-I'm the dust in the wind-I'm the star in the northern sky-I never stay anywhere-I'm the wind in the trees..."

Saturday, March 22, 2008

Chuyện hôm qua

Nó là thằng em học cùng khóa với tôi. Học kỳ đầu tiên của năm thứ 1, nó gây sự chú ý với tôi bởi điểm cao nhất khóa, 7.9, trong khi tôi đứng thứ 2 hay 3 gì đó (7.7).

Nó là một thằng con trai Nha Trang, nét mặt thô và xấu, nét mặt như dân da đỏ, tính cách rõ ràng sòng phẳng và tự trọng một cách cứng nhắc. Lần đầu tiên tôi tiếp xúc nhiều với nó là chuyến đi thực tế năm 1 ở Phan Rang. Nó nghèo nhưng rất biết tự trọng, không hề nhờ vả hỏi vay tiền hay vả lả mượn rồi lơ như một số anh "được trai" vẫn hay làm. Dù cho tôi có vì mến tài vẽ mà nổi hứng bao nó 1 bữa ăn, nó cũng dứt khoát trả cho được phần của mình.

Sau chuyến đi thực tế năm 1, về lại trường tôi cũng chơi với nó. Lâu lâu cũng đi uống cà phê ở quán của Cao Minh. Thân thiết, nó cũng kể tôi nghe những câu chuyện của nó. Tôi thấy nó hiền lành và cục tính. Tính thẳng và vụng. Đúng hoặc sai, không hề có sự mềm dẻo thỏa hiệp. Cũng lãng mạn ôm đàn ca hát rất máu lửa. Là một thằng chơi được hơn khối thằng, và có chất hơn khối thằng. Điều duy nhất tôi không chịu được ở nó, chỉ là nó ở dơ. Đi thực tế lâu ngày không chịu tắm. Tôi hay than phiền nó về điều đó.Có lần nó mượn tôi đồ cắt móng tay, tôi không cho, và nói khiến nó tự ái. Nhưng mà, cũng không giận nhau lâu.

Nó là thằng vẽ tốt nhất năm của tôi. Vẽ máu lửa và vẽ say. Đi mùa hè xanh mấy lần, nó đều có những bức ký họa tốt. Rất chịu vẽ. Lần đi mùa hè xanh chung ở Bến Tre, tôi và nó hay đi cùng, ghé nhà của anh Ba chú Tư uống rượu và ca vọng cổ. Nó xấu nhưng cũng có cái tình, nên dù không được ưa nhiều nhưng cũng không bị ghét. Thời gian đó, vẫn thấy nó dành rất nhiều thời gian cho việc vẽ và đi. Có vẻ như, câu chuyện điên thời học ở Nha Trang vẫn còn ám nó. Nó không muốn vướng vào chuyện tình ái?

An Hạ bắt đầu vào trường khi nó học năm 3. Cô bé tính tình liến thoắng vui vẻ. Hay thích nói chuyện với những ai cô bé mến mộ và tỏ vẻ yêu thích. Năng động và hay tham gia những sinh hoạt văn nghệ như biểu diễn thời trang trong trường. Năm đó hai đứa thường đi với nhau, Năng hay gọi Hạ là bé Hạ.

Năm thứ 4, tôi và mấy người nữa bên hội họa định đi thực tế ở Bắc Hà, Sapa. Những chuyến đi như thế thường rất tốn kém. Năng không có khả năng đi xa như vậy. Ba mẹ nó là thương binh hạng nặng, già và mất sức lao động. Nó thường phải chi tiêu dè sẻn và tiết kiệm. Những chuyến đi xa duy nhất nó có thể đều là những lần đi mùa hè xanh. Tôi thấy tiếc cho nó, vì với khả năng của nó, những chuyến đi thực tế sẽ đóng góp cho nó nguồn tư liệu phong phú. Năm đó, tôi quyết định cho nó mượn tiền để đi thực tế. Vì đã thân với nhau, nó đồng ý mượn, và đã rất biết tiết kiệm trong chuyến đi. Trong hai tháng, đi Bắc Hà, SaPa, Hà Nội, lúc về còn ghé ngang Hội An ( ghé chơi với An Hạ ), mà nó chỉ xài có 2,5 triệu ( trong khi tôi vốn cũng không hề lãng phí, đã tốn 5 triệu ). Chuyến đi đó nó đã vẽ rất nhiều. Tôi đã bán cho nó gần chục bức ký họa trong chuyến đi đó, dư sức để nó trả nợ và mua thêm màu để vẽ.

Thời gian đó nó chưa yêu đến mức lụy tình. Ai cũng lạ là nó và An Hạ có thể quen nhau. vì tính nó vốn rất ghen và cộc. Còn An Hạ thì như con sáo. Chưa bao giờ trong cuộc trình diễn thời trang nào An Hạ làm người mẫu mà nó đi xem. Điều đó không ít lần khiến An Hạ buồn.

Năm thứ 5 của nó, là năm thứ 3 của An Hạ. Thời gian đó trường ĐH Mỹ Thuật đang xây. Sinh viên từ năm thứ 3 trở đi đều ra ký túc xá học. An Hạ được nó dẫn đến gửi gắm ở chung phòng với tôi ( Vì vẫn còn luật ma mới ma cũ, nếu không thích nhau, rất khó ở chung. Vì muốn thoải mái không gian, nên tôi nhờ đứa bạn đang ký tên ở, nên nếu không thích, vẫn có thể không nhận ). Trước giờ tôi với cô bé cũng ít khi nói chuyện. Vào ở cùng phòng, tôi cũng chỉ thường hay cười mỗi khi cô bé liến thoắng tíu tít kể chuyện hay hỏi tôi tác phẩm của mình đẹp hay không. Cô cũng hay kể anh Năng thế này anh Năng thế kia. Trừ những lần giận nhau, hai đứa lúc nào cũng đi cùng, ăn cơm cùng, v.v... Tính Hạ thường hay vui và sôi nổi. Nhiều khi tôi lười nói chuyện, cô bé vẫn vừa vẽ thư pháp trên những cái dĩa nhỏ, vừa tíu tít kể chuyện, vừa khoe tôi hỏi "có đẹp không chị?" hoặc líu lo lẩm bẩm 1 mình. Do biết tôi khó tính, hai đứa ít khi nào ở cùng trong phòng tôi, mà hay ở phòng của Năng ( có lần Năng xuống, nằm lên võng của tôi, tôi la quá trời ).

Thời gian ở cùng Hạ, tôi nhiều lần chứng kiến hai đứa giận nhau. Nhẹ thì giận vài bữa, nặng thì mang đồ kỷ niệm xuống trả nhau. Có lần, tôi thấy Năng hầm hầm bước vào phòng, tay mang bức thư pháp và những món đồ Hạ tặng, để lên giường Hạ, và nói "Em độc ác lắm". Hạ im re và tỉnh queo. Những lúc đó, tôi vẫn thấy cô bé tỏ vẻ thản nhiên vui vẻ. Tôi lắc đầu và la, "sao hai đứa con nít vậy?" Hạ nói, "kệ ảnh chị ơi". Lần đó, đang làm bài tốt nghiệp, tôi thấy Năng đang mài bức tranh đột nhiên ngừng lại và khóc (tôi học điêu khắc nhưng vẫn hay lân la lớp của Năng để học ké sơn mài). Chưa bao giờ tôi thấy nó khóc, cũng như chưa bao giờ nó kể cho tôi nghe về chuyện tình với Hạ ( người ta chỉ thường hay kể về điều đã qua ). Lần đầu tiên tôi thấy, nó sa sút lơ là chuyện vẽ vì chuyện yêu đương. Nhưng được đâu chừng hơn tháng, lại thấy An hạ tíu tít vào lớp đem nước cho Năng, lại vui vẻ bình thường. Tôi chỉ biết lắc đầu. Mấy lần dặn dò Hạ, "chuyện tình cảm đừng có giỡn chơi", và cô bé cứ nói, "không sao đâu chị".

Trong khóa tôi, có thể nói, tôi chơi thân và tin tưởng nó nhất. Ý tưởng hình thành Himiko của tôi gắn bó với êkip mà tôi tin tưởng, trong đó có nó. Thời mà tượng tôi còn gửi lăn lóc trong phòng khách người ta, cũng có ké theo vài bức tranh của nó. Với sức vẽ của nó và vài người bạn khóa trước, tôi tin Himiko có thể có lượng tranh thay đổi thường xuyên luân chuyển. Nó cũng ủng hộ nhiệt liệt tôi và hứa sẽ đi cùng tôi theo hướng này.

Nhưng rồi chuyện tình cảm của nó lại trục trặc. Nhưng chuyện chia tay cứ thỉnh thoảng lại lặp đi lặp lại. Lần này nó quyết định đi xa làm phim "Dòng máu anh hùng" để có thể dứt khoát quên. Nó chỉ vừa mới phụ tôi mươi ngày cho việc chuẩn bị Himiko. Hơi thất vọng nhưng tôi cũng mong nó qua được. Tôi vốn ghét đàn ông mà lụy tình. Nên thỉnh thoảng cũng hay chửi nó nhưng nó cũng im lặng. Chuyến đi theo đoàn làm phim dài đến 6 tháng. Đó là khoảng thời gian vừa đủ để con người ta phục hồi.

Nhưng ri, được gn 2 tháng, li thy nó gọi điện thoại về nh tôi đưa hình tác phm cho An H làm h sơ d thi gì đó... Tôi li lc đu thở dài. An H đến Himiko dùng đa ch email của tôi gửi tranh cho Năng duyệt, email còn mang tên là “ông xã ơi”(tháng 12 năm 2005). Rồi, An Hạ còn đi Hội An thăm nó. Đó là thời gian thắm thiết mặn nồng nhất. Lúc nào hai đứa cũng gọi nhau bằng ông xã bà xã.

Cuối tháng 4 năm 2006 Năng về lại Sài Gòn. Hai đứa lúc nào cũng đi theo như hình với bóng. Lúc này, An Hạ đang ở giai đoạn sung sức, tham gia triển lãm sắp đặt ở Sài Gòn open city. Rồi chuẩn bị triển lãm festival nghệ sĩ trẻ TP.HCM ở Văn Thánh vào tháng 5 năm 2006. Tác phẩm của An Hạ là một mê cung đường hầm làm bằng gỗ giả sắt. Tác phẩm này Năng đảm nhiệm về mặt kỹ thuật ( thời gian theo đoàn làm phim đã giúp khả năng giả chất liệu của nó lên cao ). Suốt hơn tuần lễ, Năng đã đóng đô, ngủ luôn tại Văn Thánh để giữ đồ, và làm cho Hạ đường hầm này (Nên khi phóng viên đăng tin về cái chết của Hạ có bảo rằng không biết Năng là ai, chỉ biết Hạ, thì tôi nói, phải rồi, vì suốt thời gian đó, Năng giống như một thằng thợ hơn là nghệ sĩ ).

Rồi Năng cũng làm triển lãm cho mình. Năng và Nghĩa lên chương trình làm triển lãm ở Himiko vào cuối tháng 6. Vì là tranh tường và sắp đặt nên cần phải chuẩn bị trước nửa tháng. Himiko ban ngày phải mở cửa phục vụ khách, nên 11h tối mỗi đêm Năng và Nghĩa phải đến để vẽ. Tôi phải thức đêm cùng với 2 tụi nó mỗi lần làm việc nên quy định là cả 2 đứa phải đến cùng, nếu nghỉ thì phải báo trước để mọi người cùng nghỉ. Trước giờ, tôi luôn tin tưởng vào thái độ làm việc nghiêm túc của Năng nên không lo lắng gì. Nhưng lần này tôi đã giận điên người bởi có đêm chỉ có 1 mình Nghĩa đến. Gọi điện thoại hỏi thì Năng bảo mệt, không đến được, nhưng tôi nghe loáng thoáng giọng An Hạ trong phone. Tôi đã giận và quát nó tại sao không đến mà không báo trước, đâu phải lúc nào tôi cũng trực chờ cửa thế này, sao không biết nghĩ đến người khác... ( tôi làu bàu trong bụng là vì mê gái ). Tính tôi cực đoan và nghiêm khắc trong công việc. Mà mỗi lần Năng đến làm việc luôn dẫn Hạ đi theo bàn ra tán vào góp y lung tung đều làm tôi quạu, chửi nó là đàn ông mà không phân chia tình cảm công việc ra cho rạch ròi. Sau lần triển lãm đó, thái độ làm việc của nó làm tôi thất vọng ( mà tôi suy chỉ vì lụy tình mà ra ), nên tôi đã giận và không nói chuyện với nó từ đó (giữa tháng 7 tôi đi Nhật, ở nhà, nó và Nghĩa lơ là phần trách nhiệm đã hứa là sơn sửa hoàn trả lại bức tường).

Tôi vốn chúa ghét đàn ông lụy tình, không phân định rõ ràng công việc và tình cảm. Tôi giận nó rất nhiều. Từ khi vương vào tình cảm này sâu đậm, hầu như nó chẳng còn dành tâm sức cho việc sáng tác như ngày xưa. Nên sau khi đi Nhật về, tôi gần như không nhìn mặt nó. Có duy nhất 1 lần, ghé quán gỗ uống cà phê, gặp nó ngồi đánh cờ. Tôi làm lơ. Lát sau nhìn thấy tôi, nó hỏi thăm nghe nói chị vừa đi Nhật về, tôi cũng ừ hử không nói gì nhiều. Nó cũng biết tôi giận nên im ( tính nó vốn cũng chẳng ngọt nhạt gì với ai ). Đó là lần cuối cùng tôi nhìn thấy mặt nó( khoảng cuối tháng 8 ). Có lần, ghé KTX chơi, tôi nghe tụi nó đồn là Năng (lại) thất tình và vừa cạo trọc đầu ( trước đó nó để tóc dài ); rằng có tin (đồn) An Hạ đi thực tế ở miền Tây Bắc cặp bồ với một anh chàng học năm 3 trong trường, hai người tách nhóm ra đi riêng. Tôi chỉ biết lắc đầu và nói, kệ tụi nó, bỏ đi bỏ lại nhiều lần, nghe mệt lắm rồi.

Lần cuối cùng tôi gặp An Hạ là đầu tháng 11 năm 2006. Lúc đó, đang chuẩn bị triển lãm báo cáo lại festival nghệ sĩ trẻ lại lần nữa cho các bác trung ương duyệt ( lần ở Văn Thánh không chịu duyệt cho ). Lần này, người phụ An Hạ chuẩn bị sắp đặt là anh chàng sinh viên (theo tin đồn). Gặp tôi, An Hạ vẫn ríu rít như chim hỏi thăm. Năng cũng có tham gia vào triển lãm này nhưng tôi làm xong rồi đi, không quay lại vào những ngày cuối. Ngày khai mạc triển lãm, tôi định đi về quê, nhưng bị xe tông vào băng bột cánh tay.

Đó là thời kỳ ảm đạm nhất của của tôi, và vài người chung quanh về chuyện tình cảm. Tôi nhìn thấy một thằng ôm mặt khóc rưng rức ngay tại Himiko vì chịu không nổi cảnh người yêu ngang nhiên cặp với thằng khác trong một buổi triển lãm. Tôi cũng chới với trong chuyện yêu thương trước những khiêu khích đầy nguy hiểm. Băng bột cánh tay là quá nhẹ cho chuyện đi lơ ngơ trên đường ra bến xe về quê ( để tìm cảm giác bình yên cho tâm hồn ). Cộng thêm những va chạm trong mối quan hệ con người thời gian đó, làm tôi suýt chút nữa đóng cửa Himiko một thời gian. Cú băng bột như giúp tôi tỉnh lại và giật mình, kịp giữ lại thăng bằng. Tôi quyết định tổ chức sinh nhật cho Himiko ( vào ngày 19.11 năm 2006 ) và mời những người đã góp công góp sức cũng như có tình có nghĩa với Himiko tham dự. Tôi có gọi điện thoại cho Năng, và nó bảo sẽ đến, cũng như bảo tôi sắp xếp để nó mời bên đài truyền hình nơi nó làm việc đến mượn mặt bằng để quay chuyên đề gì đó. Tối hôm đó nó không đến. Tôi vẫn còn lơ ngơ và bị ai đó lấy mất số tiền lớn trong bóp ngay tối đó nên rốt cuộc cũng không gọi hỏi thăm những người không đến.

Chiều hôm sau, 5h, Nghĩa gọi tôi, nói, chuẩn bị vào nhà xác ngay, An Hạ bị đâm chết. Tưởng là bị tại nạn xe ( vì người ta vẫn hay dùng bị xe đâm...) Nhưng giọng Nghĩa lạc đi, thằng Năng đâm chết An Hạ rồi.

Mọi người bàng hoàng.

Nghe kể, suốt 1 tuần đó Năng như người điên vì không thể gặp được An Hạ 1 mình. An Hạ cũng hoảng sợ và kêu anh chàng thứ 3 luôn ở bên cạnh mỗi lần Năng đến. Đến ngày cuối, cả ba uống rượu với nhau đến hơn 12h. Năng đã đề nghị "cậu về giùm tớ, tớ muốn nói chuyện với Hạ lần cuối". An Hạ gật đầu ra dấu anh chàng kia về. Năng đã khóc đề nghị An Hạ quay lại. Và gần sáng, trong một cơn kích động, cãi vã. Năng đã đâm chết Hạ. Rồi đi đầu thú.

Nghe anh rể Năng kể, sau chuyến đi theo đoàn làm phim về, Năng được hơn 30 triệu, mua cho bố 1 bộ ghế, còn hơn 20 đưa cho Hạ giữ. Hai người đã như vợ như chồng, dù gặp khá nhiều cản trở như gia đình Năng là quân đội, gia đình Hạ là đạo gốc, lấy Hạ, Năng phải theo đạo. Năng cũng vài lần về quê Hạ tát mương bắt cá nhậu với bố Hạ. Trước tuần lễ cuối cùng, Năng về quê, mượn chiếc xe anh rể vào để đi làm, thể hiện quyết tâm lấy Hạ cho bằng được ( Năng bảo với anh rể, em không lấy Hạ thì không lấy ai ).

Nhiều ngày sau này, tôi không thể quay về Himiko trước 5h sáng. Tôi gần như ở đó 1 mình, và bị ám ảnh bởi trước đó 2 tuần, An Hạ vẫn còn ríu rít dẫn anh chàng thứ 3 xuất hiện để giới thiệu về Himiko. Trong quán còn treo bức tranh sơn mài vẽ thiếu nữ khỏa thân mà hình tượng là An Hạ. Tôi chỉ ước giá như An Hạ hãy chia tay Năng một thời gian, để nó bình phục tỉnh táo rồi hãy quen người khác. Không biết, hành động quen người khác có phải là để dứt khoát với Năng hay không, nhưng với tính cách của Năng, hành động đó của An Hạ là một sai lầm đã khiến cô bé phải trả giá cả cuộc đời ( trước kia, chia tay nhiều lần nhưng không hề có sự xuất hiện của người thứ 3 ).

Không ai có thể bào chữa được cho hành động cướp đi sinh mạng người khác, dù cho đó là nhân danh tình yêu. Cho dù, ai đã trải qua trong tình yêu, đều biết rằng, sức mạnh của sự mù quáng trong tình yêu thật là kinh khủng. Thời điểm đó, có 3 con người thất tình. Tôi, muốn giết mình đi với suy nghĩ rằng làm như thế, người đó sẽ không thể nào xóa bỏ được hình ảnh của tôi trong họ. Đã có khoảng thời gian tôi ám ảnh ngày đêm bởi cái chết. Và tôi biết, cũng như hiểu những gì Năng đã trải qua trong thời gian đó. Cảm giác như điên như cuồng bởi những gì yêu thương gắn bó vuột mất, lại phải chứng kiến cảnh người mình yêu như vợ như chồng tíu tít bên người khác. Nếu là một người yếu tâm lí, sẽ dễ bị những suy nghĩ quỷ ám len lỏi vào mình. Nghe nói, suốt một tuần lễ trước đó, Năng đã suy sụp tình thần và biểu hiện tâm lí rất yếu. Không có bạn bè bên cạnh khuyên giải, Năng gần như đã chôn mình trong sự tuyệt vọng. Và kết cục đau lòng đã xảy ra.

Bạn bè An Hạ giận Năng. Mọi người không ai chấp nhận được. Tôi cũng thế, vì cho dù cũng trải qua cảm giác điên cuồng, tôi cũng chỉ nghĩ duy nhất đến việc tự hủy hoại mình thôi, chứ tuyệt nhiên không nghĩ đến chuyện làm nguy hại đến người mình yêu. Nhưng tôi nghẹn đắng cả người mỗi khi nghe ai đó nói thằng kia giết người dã man, cần phải loại bỏ phần tử nguy hiểm đó ra khỏi xã hội. Bởi bất kỳ ai là bạn của Năng, đều biết rằng, tính nó hiền và chơi rất được, trừ chuyện mù quáng trong tình yêu ra, nó không phải là phần tử nguy hiểm trong xã hội. An Hạ cũng đã mất rồi, bây giờ, Năng có chết, thì cũng đâu làm nỗi đau dịu bớt (Gia đình An Hạ cũng không muốn Năng chết ). Tôi đã từng nghĩ, An Hạ là một họa sĩ, Năng cũng là một họa sĩ, có tài. Hãy để Năng sống ( dù là trong tù ), để vẽ thay phần của An Hạ, để trả nợ phần sinh mệnh mình đã cướp đi...

3 comments:

Schatz ® said...

chi viet ra o day tren co so chi la ban cua N va co trao doi quen biet, con An Ha chi chi nhin be ngoai va nhu chi noi ko noi chuyen tiep xuc nhieu. Chinh vi ban tinh cua chi nhu da noi, kho tinh nen chi da it lan tro chuyen tham tinh voi An Ha chi se ko the hieu dc thuc chat trong chuyen tinh do An Ha da trai qua nhung gi va nhu the nao, vi the chang ai nhu chi noi:"ríu rít như chim"... chi la 1 ca the doc lap, moi con ng la 1 ca the doc lap, viet ra la y kien 1 chieu va em cung la 1 ca the doc lap cung co y kien cua rieng em, va em cam thay chi bao"liu riu nhu chim"..doi khi chi la nhan xet be ngoai.

Himiko. Nguyễn said...

Xin lỗi em, tôi chỉ đang kể lại sự việc, và chưa đưa cảm tính gì của mình vào cả. Chuyện tình yêu chỉ có những người trong cuộc mới biết, và bản thân tôi cũng không hề bênh vực cho hành động điên cuồng của Năng. Tôi chỉ đặt ra một vấn đề, thêm-một-người-chết-nữa, thì có đáng không?
Tôi sống cùng An Hạ 1 năm, tôi nghĩ, ít nhiều gì tôi cũng hiểu một chút về cô bé ( Tôi còn nói chuyện với bé Đào, bạn thân của Hạ nhiều lần về chuyện con người mà ). Nhưng, hiểu thì thế nào đây? Ai có đủ tư cách như người trong cuộc để nói rằng ai đúng ai sai? Chuyện giết người là tuyệt nhiên không thể bao biện được. Tôi chỉ nói về những con người còn sống, và cảm giác để loại bỏ một con người ra khỏi xã hội (ngay cả gia đình Hạ, cũng đâu muốn Năng bị xử chết).
Tôi không hiểu em muốn nói về điều gì, nhưng cũng không muốn tranh cãi với một người không biết mặt. Nếu có thể hỏi Hạ, thì có lẽ cô bé cũng không muốn Năng chết, mà phải sống và trả thay cô ấy món nợ cuộc đời. Cả hai con người ấy đều có cùng một đam mê lớn nhất, là vẽ. Thì tại sao không để Năng sống, để thực hiện thay Hạ điều đó? (dù ở trong tù, vẫn có thể vẽ tranh được mà).

Cleon said...

Cũng đã từng băn khoăn về chuyện 2 người này nhưng vẫn không hiểu tại sao lại dùng Án cao nhất để xử, Có nhiều kẻ xứng đáng hưởng cái án đấy hơn nhiều. Hơn nữa, việc xử án nặng như thế đâu giải quyết được gì ngoài những nỗi đau cho nguời ở lại. Buồn vì những thứ xung quanh bản án này nhiều lắm